Cách để ước mơ

“Những chiếc đèn hoa đăng đang chở bao ước mơ” - một du khách nhỏ tuổi đến từ Hà Nội đã thốt lên như vậy, khi lần đầu nhìn thấy hoa đăng bập bềnh trôi trên dòng sông Hoài chảy miệt mài giữa lòng phố cổ Hội An (Quảng Nam), một đêm hè không trăng, trời cao và gió lộng.
0:00 / 0:00
0:00
Hoa đăng trên sông Hoài.
Hoa đăng trên sông Hoài.

Dù chưa hề được giới thiệu về nét sinh hoạt độc đáo đã được khôi phục từ năm 1998 này ở phố cổ Hội An, nhưng hình ảnh đậm sắc mầu văn hóa truyền thống ấy đã gợi lên những suy nghĩ trong trẻo và lãng mạn trong tâm hồn thơ trẻ, và tin rằng, với cả nhiều du khách đến từ nhiều quốc gia, nền văn hóa khác. Đêm phố Hội thêm phần lung linh, huyền ảo bởi những con thuyền chở các vị khách hào hứng trải nghiệm hoạt động thả hoa đăng. Những chiếc đèn cứ trôi dài, lung linh, hướng về phía biển...

Ở nhiều ngôi trường các cấp học, thầy cô giờ đây có nhiều hoạt động khơi gợi suy nghĩ của học trò về những mơ ước riêng có của các em. Đó là những “hạt giống” ước mơ đang bắt đầu được chú ý và nuôi dưỡng. Có điều, bởi được gợi lên trong không gian học đường, nên hầu hết những đứa trẻ có xu hướng “gieo hạt” ước mơ của mình theo những gì mà thầy cô truyền dạy.

“Thiếu thiên nhiên” lại đang là cảnh báo của nhiều nhà tâm lý đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn - những nơi đang ngày càng trở nên ngột ngạt bởi khói bụi ô nhiễm và các tòa nhà cao tầng. Và bởi vậy, khuyến cáo của họ là hãy cho những đứa trẻ cơ hội trở về với thiên nhiên, cảm nhận thiên nhiên theo những quy luật vận hành riêng của tạo hóa.

Chính những trải nghiệm muôn hình muôn vẻ của thiên nhiên, cùng những hoạt động văn hóa được cha ông ta sáng tạo nên dựa theo sự tương tác, thấu hiểu và trân trọng thiên nhiên ngàn đời của quê hương đất nước sẽ mang đến cho những đứa trẻ và mỗi tâm hồn sự rung cảm tự nhiên, thoáng đạt, không khuôn mẫu. Đó, có lẽ mới thật sự là mơ ước.