Doanh nghiệp mong gỡ vướng
Thực tế đã có rất nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội được phê duyệt nhưng vẫn gặp trở ngại về thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp, Tổng công ty Viglacera tự tin có thể cung cấp những sản phẩm đồng bộ để vừa thi công nhanh, vừa giảm giá thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng Giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị, bên cạnh việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định hiện hành để chủ khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể thuê lại nhà ở xã hội và cung cấp miễn phí cho công nhân, cấp có thẩm quyền giao thẳng dự án cho các đơn vị đủ năng lực mà không cần đấu thầu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giá thành sản phẩm.
Cuối năm 2024, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) đã khởi công các dự án nhà ở xã hội như Khu đô thị mới Hạ Đình (Thanh Trì, Hà Nội) với tiến độ rút ngắn còn 24 tháng thay vì 36 tháng theo kế hoạch. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, UDIC cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề quỹ đất và thủ tục phê duyệt dự án.
Đại diện UDIC đề xuất, các địa phương xây dựng báo cáo và đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ tài chính cho người mua nhà. Xem xét triển khai phát triển nhà ở xã hội thông qua các mô hình hợp tác công-tư, đổi đất lấy hạ tầng, tăng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp xây dựng kiến nghị, ban hành chính sách thí điểm giao đất không qua đấu thầu, cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và rút ngắn thủ tục hoặc cho làm song song, giúp lựa chọn nhà đầu tư phù hợp và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Một vấn đề khác liên quan cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư. Hiện tại, lợi nhuận của chủ đầu tư nhà ở xã hội bị khống chế không quá 10% tổng chi phí xây dựng dự án. Trong khi đó, giá vật tư, nguyên liệu và nhân công liên tục biến động, khiến chi phí tăng cao. Điều này dẫn đến lợi nhuận của nhà đầu tư không được bảo đảm, giảm động lực tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
Cần chính sách đặc thù
Trên cơ sở diễn biến thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh), kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trình Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”, để thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới”. Theo đó, trong Nghị quyết thí điểm, cần quy định rõ: “Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80 của Luật Nhà ở, cơ quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư; cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ và lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan nội dung dự án và lập báo cáo trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại các điểm a, b, đ, e khoản 1, khoản 2, các điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Luật Nhà ở”.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, về lâu dài, Bộ Xây dựng cần trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vào điểm c khoản 4 Điều 84 Luật Nhà ở 2023 để thống nhất một đầu mối là cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh (Sở Xây dựng) thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội” để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính.
Trong quá trình xây dựng chính sách, để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, theo nhiều chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền nên cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Từ đó, họ có thể tăng thêm khoảng 50% số lượng căn hộ nhà ở xã hội so với dự án nhà ở thương mại trên cùng quy mô diện tích đất dự án, để sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả cho mục đích phát triển nhà ở xã hội.
Hiện nay, lợi nhuận của chủ đầu tư nhà ở xã hội bị khống chế không quá 10% tổng chi phí xây dựng dự án. Trong khi đó, giá vật tư, nguyên liệu và nhân công liên tục biến động khiến chi phí tăng cao dẫn đến lợi nhuận của nhà đầu tư không được bảo đảm. Điều này làm giảm động lực tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội của doanh nghiệp.