Từ câu chuyện “xanh hóa” trong lĩnh vực chuyển phát...
Năm 2024, Viettel khai trương Tổ hợp công nghệ chia-chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam, ứng dụng robot AGV do chính doanh nghiệp này tự thiết kế và xây dựng. Tổ hợp có công suất xử lý tăng 40%, với tỷ lệ sai sót gần như bằng 0, giúp rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ. Nhờ ứng dụng chia sẻ dữ liệu, các khâu trung gian, quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển giảm 15%, giúp tối ưu khoảng 60% chi phí nhân sự.
Trước đó, nhóm hàng tròn, thư - chiếm gần 40% tổng sản lượng, từng là “điểm nghẽn” không thể khai thông bằng công nghệ, phải sử dụng nhân lực chia- chọn theo cách thủ công. Trong giờ cao điểm phương pháp truyền thống thường xuyên bị quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian giao hàng và tính chính xác trong quá trình phân loại.
Thực tế, việc đầu tư cho công tác R&D vốn là lĩnh vực đặc thù, không mang lại kết quả tức thì mà cần có thời gian dài thử nghiệm vận hành. Câu chuyện tự động hóa hệ thống logistic của Viettel sẽ không thể thành hình nếu không có sự đầu tư và nghiên cứu thực tế sau những năm tháng quá tải vì chia- chọn bưu phẩm thủ công.
Ứng dụng robot tự động là một trong những hoạt động thuộc chiến lược phát triển dài hạn. Hệ sinh thái logistic của tập đoàn này không chỉ nổi bật về việc tự động hóa nhờ robot, mà còn bao gồm phần mềm quản lý kho vận, hệ thống app/web, chuỗi giải pháp công nghệ chuyển phát giám sát trọng lượng, giám sát băng tải, khóa thông minh… đều được phát triển bởi đội ngũ 100% kỹ sư, chuyên gia người Việt.
Theo ông Nguyễn Kim Thuần, Trưởng phòng Công nghệ Viettel Post, việc tiên phong triển khai thử nghiệm công nghệ mới đã góp phần khẳng định đường hướng và mục tiêu đường dài trong công cuộc chuyển đổi hệ thống tự động hóa. Song song với việc đưa vào vận hành, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm chủ công nghệ, tiếp tục nhân rộng mô hình.
... đến chìa khóa phát triển bền vững
Như nhận định của các chuyên gia, để xây dựng đội ngũ R&D mạnh mẽ, trước tiên, lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu rõ giá trị bền vững mà đội ngũ này mang lại, từ đó xây dựng một chiến lược phát triển công nghệ và sản phẩm dài hạn. Việc thiết lập một lộ trình R&D trong 5-10 năm sẽ giúp doanh nghiệp định hướng tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một cơ cấu tổ chức hợp lý cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, để xây dựng sơ đồ tổ chức phù hợp và mô tả công việc chi tiết cho từng vị trí. Đồng thời, cần thiết lập quy trình làm việc khoa học, phương pháp đo lường hiệu quả để tránh tình trạng hoạt động thiếu định hướng. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không có cơ chế hỗ trợ phù hợp, nhân sự ở các phòng R&D sẽ rất dễ mất động lực làm việc.
Nhìn vào trường hợp thành công của Viettel, những điểm nhấn đáng chú ý còn đến từ quá trình đào tạo nội bộ, sự tiếp nối từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm để truyền đạt cho thế hệ sau. Môi trường và văn hóa làm việc chú trọng hỗ trợ cho các hoạt động R&D sẽ tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ nhân sự thử nghiệm và phát triển ý tưởng mới. Chính môi trường làm việc khuyến khích đổi mới, tôn trọng ý tưởng và cho phép thử nghiệm sẽ giúp đội ngũ nhân sự phát huy tối đa năng lực, từ đó mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.
TS Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn xây dựng bộ phận R&D tại Dong Han DHRC với gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành, cảm nhận: “Trong lĩnh vực R&D, công nghệ chỉ là một phần của bài toán. Phần quan trọng hơn chính là tư duy đổi mới và sự kiên trì theo đuổi những ý tưởng đột phá. Một đội ngũ R&D vững mạnh không chỉ cần tài nguyên và công nghệ tiên tiến, mà còn phải có một môi trường làm việc linh hoạt, khuyến khích thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp nào biết cách nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu chuyên sâu, thì doanh nghiệp đó mới có thể tạo ra những sản phẩm mang tính cách mạng và dẫn dắt thị trường”.