Cần xem xét lại khái niệm “an ninh lương thực”

Trước những thách thức chưa từng có đang đe dọa sự phát triển bền vững của châu thổ Cửu Long, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, sẽ cùng chúng ta “giải mã” bài toán hồi sinh đất cho vùng châu thổ trù phú này.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng gánh vác vai trò an ninh lương thực cho cả nước. Ảnh: Dũng Nguyễn
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng gánh vác vai trò an ninh lương thực cho cả nước. Ảnh: Dũng Nguyễn

- Thưa ông, từ nhiều năm về trước, không ít chuyên gia đã lên tiếng về thực trạng suy thoái đất đai ở đồng bằng sông Cửu Long do canh tác thâm canh ba vụ lúa trong đê bao khép kín. Vậy theo ông, hoạt động thâm canh lúa ba vụ nơi đây bắt đầu từ khi nào và vì sao?

- Nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long trải qua ba giai đoạn. Trước khi đất nước thống nhất, đồng bằng chỉ canh tác một vụ lúa mùa dài ngày mỗi năm và ở những vùng đất ít ngập lũ có thêm vụ lúa thần nông - là lúa ngắn ngày. Tổng sản lượng khi đó chỉ khoảng 4 triệu tấn mỗi năm. Vào cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cả nước trải qua một giai đoạn thiếu đói nghiêm trọng. Do đó, Đồng bằng sông Cửu Long đã gánh vác vai trò an ninh lương thực cho cả nước. Mọi nỗ lực đã được đưa ra để tăng sản lượng lúa gạo. Khi đó hệ thống kênh mương thủy lợi được phát triển rộng khắp để khai hoang đất đai, tăng diện tích canh tác và tăng sản lượng lúa gạo. Đến năm 1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lúa gạo khoảng 1,4 triệu tấn. Đây là một thành công ngoạn mục. Sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đưa cả nước thoát đói mà còn tạo thu nhập ngoại tệ nữa.

Với đà đó, sản xuất lúa gạo đã tiếp tục tăng lên. Nhưng sang giai đoạn sau thì không còn đất đai để mở rộng diện tích được nữa. Từ đó canh tác lúa gạo đi vào thâm canh, từ hai vụ lên ba vụ mỗi năm. Và để trồng lúa quanh năm trong những vùng bị ngập sâu như tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thì phải đắp đê bao khép kín không cho nước lũ vào. Việc thâm canh ba vụ trong đê bao khép kín đã giúp sản lượng xuất khẩu tăng vượt bậc và đưa Việt Nam vào top 3 thế giới về xuất khẩu gạo cùng với Ấn Độ và Thái Lan. Năm 2005, Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 4 triệu tấn gạo xuất khẩu. Sản lượng tiếp tục tăng trưởng và duy trì ở mức cao. Năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận kết quả kỷ lục về xuất khẩu gạo với hơn 8,13 triệu tấn. Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch, với khoảng 9 triệu tấn, đem về 5,7 tỷ USD.

Cần xem xét lại khái niệm “an ninh lương thực” ảnh 1

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện.

- Thế nhưng, việc thâm canh lúa ba vụ trong đê bao khép kín cũng mang lại nhiều hệ lụy cho đồng bằng sông Cửu Long, xin ông phân tích vấn đề này?

- Đầu tiên là canh tác trong đê bao quanh năm không có phù sa là nguồn dinh dưỡng tự nhiên nữa. Sở dĩ đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vùng đất trù phú nhất nước vì nhờ phù sa sông Mê Công mang về bồi bổ cho đất đai hằng năm. Trong đê bao khép kín không có phù sa và dựa vào phân bón mà phân bón chỉ cung cấp được một vài chất, chủ yếu là ba chất đa lượng N (đạm), P (phốt-pho), và K (Kali), còn lại các chất khác, cây lúa lấy từ trong đất tức là lấy từ kho dinh dưỡng mà phù sa bồi đắp trước đây. Nhưng nếu tiếp tục canh tác thâm canh kho dinh dưỡng sẽ ngày càng cạn kiệt, chi phí canh tác ngày càng tăng cao.

Kế tiếp, sự hiện diện của các ô đê bao khép kín trên các cánh đồng ngập lũ đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên làm mất không gian lan tỏa của nước lũ sông Mê Công. Trước đây Đồng Tháp Mười có khả năng hấp thu đến 10 tỷ m3 nước lũ và tứ giác Long Xuyên hấp thu 9,2 tỷ m3. Từ khi có đê bao khép kín ở vùng đầu nguồn khả năng hấp thu nước lũ của tứ giác Long Xuyên giảm còn 4,5 tỷ m3 và phía Đồng Tháp Mười giảm khoảng 35%. Lượng nước khổng lồ không được tràn lên đồng này chảy về hạ lưu gây tăng ngập cho đất đai vùng cây ăn trái và các đô thị vùng giữa đồng bằng như Ngã Bảy, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho. Từ đó, đê bao khép kín mọc lên khắp nơi ở vùng giữa để bảo vệ vườn cây ăn trái. Đến nay gần như toàn bộ các vùng của đồng bằng đều có đê bao khép kín. Trong mùa nước, nước lũ chỉ chảy trong lòng sông, không còn lan tỏa, hấp thu vào ruộng vườn nữa và nước lũ cũng thoát hết ra biển trong mùa lũ. Sang mùa khô khi nước sông Mê Công yếu đồng bằng đã khô trước vì không còn nước nhiều trong đất đai, ruộng vườn. Cùng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu, việc mất khả năng trữ nước tự nhiên của đồng bằng làm cho xâm nhập mặn càng sâu hơn so với nếu chỉ có nước biển dâng.

Với các công trình ngăn mặn giúp duy trì thâm canh ở vùng lợ giúp duy trì sản lượng lúa gạo và trái cây nhưng đồng thời làm mất ảnh hưởng của thủy triều nước lớn nước ròng. Nhiều vùng sông ngòi trở nên tù đọng, hôi thối trong mùa khô khi các cống đóng chặt. Vì sông ngòi ô nhiễm không còn sử dụng được nên gần như toàn bộ người dân đồng bằng ngày nay sử dụng nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm quá mức làm cho đồng bằng bị sụt lún nhanh gấp 3-4 lần tốc độ nước biển dâng.

Đồng bằng ngày càng sụt lún, nước biển càng ngày càng dâng, nên mỗi khi thủy triều lên thì các đô thị vùng giữa nào chưa có đê bao bị ngập nặng trong khi ruộng vườn chung quanh các đô thị không có nước vì đê bao khép kín khắp nơi. Đây là một nghịch lý lớn.

Ngoài ra, đê bao khép kín ở vùng nước ngọt làm tổn thất nguồn thủy sản tự nhiên của vùng nước ngọt. Các công trình ngọt hóa và ngăn mặn thì làm tổn thất nguồn thủy sản vốn rất phong phú trước đây ở vùng nước lợ.

Nếu làm một bài toán kinh tế tổng thể, tính toán đầy đủ lợi ích và chi phí tại chỗ và trên toàn đồng bằng, việc can thiệp thô bạo vào thiên nhiên để canh tác thâm canh lúa và việc ngọt hóa ngăn mặn là lỗ vì những tổn thất rất to lớn.

- Nhưng có quan điểm cho rằng, cần phải duy trì sản lượng lúa gạo cao như vậy để bảo đảm an ninh lương thực, quan điểm của ông như thế nào?

- Cần xem xét lại khái niệm an ninh lương thực. An ninh lương thực không phải nằm ở sản lượng gạo xuất khẩu, càng không phải số gạo nằm trong kho, vì sau 2-3 năm phải xả kho, nhập lượng mới vào. An ninh lương thực phải dài lâu, cho đời đời con cháu về sau, chứ không phải đè đất ra vắt kiệt trong vài chục năm, để sau đó đến đời con cháu thì đất đai đã kiệt sức. An ninh lương thực gồm những gì? Gồm nhiều thứ, không chỉ có gạo. Lẽ ra phải dùng chữ an ninh thực phẩm, gồm kể cả cá tự nhiên dưới sông. Nếu chỉ là an ninh lương thực quốc gia thì có thể trừ đi lượng xuất khẩu. Lượng xuất khẩu đó là để kiếm tiền chứ không phải là an ninh lương thực, nhưng cách kiếm tiền này về lâu dài làm mài mòn an ninh lương thực. Vậy, chỗ cất giữ an ninh lương thực dài lâu là nằm trong “sức khỏe của đất”. Sức khỏe đất đai đồng bằng sông Cửu Long đang cần “cấp cứu”, không chỉ là “cảm mạo” thông thường.

- Vậy theo ông, nền nông nghiệp cần thay đổi như thế nào để phục hồi đất đai đồng bằng này?

- Nền nông nghiệp nên chuyển từ lượng sang chất và theo hướng thuận thiên theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP, năm 2017, của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nên tuân thủ theo phân vùng của Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022.

Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long đã định rõ đồng bằng thành ba vùng: Vùng N (ngọt), vùng L (lợ), và M (mặn). Vùng ngọt nằm phía đầu nguồn cho tới vùng giữa đồng bằng. Đây là vùng chưa bao giờ bị hạn, thiếu nước ngọt kể cả những năm hạn lịch sử như 2016, 2020. Vùng lợ là vùng vẫn có nước ngọt vào mùa mưa và nước lợ vào mùa khô khi nước mặn vào pha với nước ngọt. Vùng mặn là vùng sát ven biển và vùng bán đảo Cà Mau. Hệ thống canh tác nên được chuyển đổi để thích nghi theo mùa, không nên tiếp tục chống lại thiên nhiên nữa. Khi đã xem nước ngọt, nước lợ, nước mặn, nước lũ đều là tài nguyên thì hằng năm chúng ta không còn bị ám ảnh bởi xâm nhập mặn nữa.

Khi hệ thống sông ngòi được phục hồi vận hành hài hòa thông thoáng thì sức khỏe của đất đai, sông ngòi, hệ sinh thái, sức khỏe của đồng bằng, và sức khỏe của con người sẽ được cải thiện, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và tác động từ thủy điện thượng nguồn Mê Công.

- Trân trọng cảm ơn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện!