Nhọc nhằn giấc mộng an cư

Với đầy đủ hồ sơ, giấy tờ và mức thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng, nhiều người tưởng chừng nắm chắc trong tay suất mua nhà ở xã hội, nhưng lại… trượt. Thực tế, hàng vạn người trong diện đủ điều kiện vẫn chưa thể tiếp cận chính sách an cư nhân văn của Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xếp hàng bốc thăm suất mua căn hộ tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: HỮU THẮNG
Người dân xếp hàng bốc thăm suất mua căn hộ tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: HỮU THẮNG

Gian nan “giữ chỗ”

Vợ chồng anh Đinh Văn Luyện (trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang công tác tại cơ quan Nhà nước. Với đồng lương eo hẹp sau hơn 10 năm bươn chải, ước mơ mua được một căn nhà vẫn chưa thành hiện thực.

Khi nghe thông tin Hà Nội triển khai mở bán dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), anh Luyện và vợ gấp rút hoàn thiện hồ sơ chỉ trong hai ngày. Song, đây là dự án được xem là hấp dẫn nhất Hà Nội vào thời điểm đó, quỹ căn hộ ít, lượng người mua nhiều, nên riêng việc xếp hàng nộp hồ sơ mất rất nhiều thời gian.

“Vợ chồng tôi chia nhau xin nghỉ làm tại cơ quan để xếp hàng giữ chỗ trong nhiều ngày mới có thể nộp được hồ sơ. Rồi hai vợ chồng lại thắc thỏm đếm từng ngày để được bốc thăm căn hộ. Thế nhưng, chủ đầu tư chỉ bán ra hơn 100 căn, trong khi đó có hơn 1.300 hồ sơ nộp nên may mắn vẫn chưa mỉm cười với gia đình tôi” - anh Đinh Văn Luyện chia sẻ.

Cũng trong cảnh gian nan, cố bám trụ ở Hà Nội để tìm kiếm cơ hội mua nhà, chị Phạm Bảo Thoa (huyện Gia Lâm) - lao động hợp đồng làm tại một đơn vị hành chính sự nghiệp, cho biết, sau ly hôn, chị cố gắng bám trụ lại Hà Nội để hai con có điều kiện học tập. Tuy nhiên, sống trong cảnh thuê trọ không ổn định cộng thêm áp lực trả tiền nhà khiến cuộc sống của ba mẹ con khá bấp bênh. Chị rất mong mỏi có được chỗ ở ổn định, nhưng qua tìm hiểu, chị khá e ngại trước những chiêu trò giả mạo thông tin mở bán các dự án để lừa đảo. Như dự án nhà ở xã hội Hạ Đình, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), từ lúc còn chưa xong các thủ tục đầu tư xây dựng, trên các trang mạng đã xuất hiện thông tin bán nhà. Thậm chí, có người bạn của chị Thoa còn đặt cọc trước 10 triệu đồng với một “cò” bất động sản để “giữ chỗ”, nhưng đến giờ vẫn chỉ biết ngóng trông...

Tìm hiểu dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh (quận Long Biên), chị Thoa cũng “choáng” khi được nhiều người môi giới rao bán suất “ngoại giao”, trong đó, có bên lên đến 700 triệu đồng cho một suất, có bên mở dịch vụ làm hồ sơ giá 20 triệu đồng để vào vòng bốc thăm cho các trường hợp không đạt tiêu chí mua nhà ở xã hội. Thậm chí có “cò” còn nâng phí tư vấn, làm hồ sơ lên đến 70 triệu đồng/bộ… Những thông tin này khiến chị hết sức lo lắng.

Theo Thạc sĩ Quản Thành Vinh (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam), hiện nay do giá nhà tăng quá cao, trong khi hầu hết người dân muốn sở hữu nhà, gây áp lực lên thị trường bất động sản và nhà ở xã hội luôn trong tình trạng khan hiếm. Thực tế, nhà ở xã hội mang đến nhiều hơn hy vọng “có nhà” cho người dân. Dự án nhà ở xã hội Hưng Thịnh thuộc Khu đô thị mới Kiến Hưng (quận Hà Đông) là thí dụ. Qua tìm hiểu, dự án nhà ở Hưng Thịnh do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Kiến Hưng và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Phú làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô ba khối nhà, cao sáu tầng, có tổng 500 căn hộ, trong đó, có 305 căn bán, 103 căn cho thuê và 92 căn nhà thương mại. Gần đây, đơn vị này đã bán, cho thuê và nhiều người có thu nhập thấp may mắn mua được căn hộ với giá ưu đãi.

Lạc lối giữa biển thông tin

Trên mạng xã hội hiện có nhiều hội, nhóm hỏi đáp, thuê, mua nhà ở xã hội lên đến hàng chục nghìn thành viên. Trong các diễn đàn này, người có nhu cầu tìm mua căn hộ có thể trao đổi thông tin làm hồ sơ. Song, ẩn tàng trong đó có khá nhiều “cò”, đưa ra thông tin nhiễu loạn, gây rủi ro cho người có nhu cầu ở thật.

Thí dụ, tại tài khoản facebook “Kinh nghiệm mua nhà ở xã hội” với hơn 28 nghìn thành viên, có thành viên tự giới thiệu bản thân từng làm môi giới nhiều dự án ở các tỉnh, thành phố khác nhau, giàu kinh nghiệm. Ban đầu, đối tượng này sẽ hỗ trợ thông tin nhiệt tình, cốt để mời chào nhiều người theo dõi. Song khi nhắn tin trao đổi, đối tượng sẽ đưa ra các “lựa chọn” để người mua cọc “giữ chỗ”.

Thực tế, trên các phương tiện thông tin, có nhiều luồng thông tin chính thống đều đưa ra cảnh báo về việc chủ đầu tư chưa mở bán dự án. Tuy nhiên, nhà ở xã hội vẫn là phân khúc hấp dẫn, nhiều người sợ khó đến lượt nên phải nhờ “cò” và “dính bẫy”.

Chẳng hạn, dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh có chủ đầu tư là Công ty cổ phần BIC Việt Nam. Đơn vị này nhiều lần cảnh báo, đăng tải các thông tin cụ thể về chính sách, đối tượng trong diện đủ tiêu chuẩn. Công ty chưa mở bán và chỉ đang xây dựng mẫu hồ sơ dựa trên quy định chung, bao gồm hơn 20 đối tượng được mua nhà, mỗi đối tượng sẽ có mẫu riêng nhằm minh bạch việc kê khai cũng như xác nhận thu nhập. Đặc biệt, đơn vị cũng không bán nhà ở xã hội qua “sàn” mà làm việc trực tiếp qua chủ đầu tư. Điều này cho thấy, không có “đường tắt” cho người đi mua nhà, trừ khi hồ sơ đạt đủ điều kiện theo quy định!

Từ thực trạng phát triển nhà ở xã hội cho thấy còn rất nhiều điểm bất cập và lỗ hổng pháp lý cần được cơ quan chức năng giải quyết. Nhất là cần những biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trục lợi chính sách, lừa đảo người dân, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.