1 Theo ghi nhận của GS Võ Tòng Xuân, hệ thống canh tác lúa nổi tại vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười có thời điểm đạt gần 500.000 ha, riêng tỉnh An Giang là 250.000 ha - gần bằng diện tích sản xuất lúa của tỉnh ngày nay.
Cây lúa nổi có khả năng sinh trưởng rất phù hợp với chế độ thủy văn và điều kiện tự nhiên của vùng. Trước đây, người nông dân thường bắt đầu gieo sạ khi những hạt mưa đầu mùa xuất hiện (vào cuối tháng tư âm lịch) và nước ngoài sông bắt đầu lớn quay (hiện tượng nước đục). Nông dân chỉ cần chuẩn bị đất bằng cách cày bừa sơ, đem hạt lúa khô ra gieo sạ, sau đó bừa lấp lại để tránh bị chim, chuột phá hoại. Trong đất, hạt lúa nổi sẽ hấp thụ độ ẩm và nảy mầm phát triển. Giai đoạn nảy mầm và phát triển mạ có thể diễn ra trong điều kiện khô, thỉnh thoảng có vài cơn mưa đầu mùa giúp cây lúa tươi tốt hơn. Cây lúa nổi có thể sinh trưởng trong điều kiện này khoảng hơn hai tháng.
Khi thật sự bước vào mùa mưa, lượng mưa tăng dần, nước bắt đầu mấp mé lên ruộng - đó cũng là lúc lúa nổi bùng nổ sinh trưởng. Cây lúa hấp thu phù sa từ nước, trở nên mạnh mẽ hơn, đẻ thêm nhiều chồi và cao lên nhanh chóng. Khi nước dâng, nhiều loài cá di cư và cá bản địa cũng vào ruộng trú ngụ. Cây lúa nổi giúp làm chậm dòng chảy tự nhiên, tạo nên một vùng sinh thái ổn định về thức ăn để các loài cùng cộng sinh. Cá nhỏ có chỗ ẩn nấp để tránh sự săn mồi của cá lớn, vì thế, tập trung rất nhiều về ruộng lúa nổi. Và chính điều này cũng thu hút các loài cá lớn về đây để tìm nguồn thức ăn.
Khi lũ dâng, lóng (đốt thân) của lúa nổi kéo dài nhanh - có thể tăng gần 10 cm/ngày. Trung bình mỗi cây lúa nổi có khoảng 12 lóng, chiều cao phụ thuộc vào mực nước lũ - có thể từ 3-4 m, thậm chí có thể vươn đến 7 m.
Khi nước lũ đạt đỉnh và bắt đầu rút - thời điểm này gọi là nước phân đồng, cũng là lúc cây lúa nổi phát triển mạnh chồi ngọn để bù lại số chồi bị mất trong thời gian nước lên. Đây là thời điểm cây lúa nổi tạo nên hình ảnh đẹp nhất trên cánh đồng mênh mông - một mầu xanh bạt ngàn, ngợp mắt.
Sau đỉnh lũ, nước rút dần, cây lúa nổi nương theo mực nước mà hạ thấp và nằm xuống mặt ruộng. Thời điểm lũ rút cũng trùng với thời điểm ngày bắt đầu ngắn lại - một tín hiệu sinh học quan trọng giúp cây lúa chuyển sang phát triển đòng và trổ hoa. Lúa nổi đặc biệt ở khả năng "quỳ" - sau khi nằm xuống đất, thân cây vẫn có thể ngóc lên để trổ hoa và kết hạt, giúp nông dân thu hoạch thuận tiện hơn.
2 Ngày xưa, có rất nhiều giống lúa nổi truyền thống như: Nàng Tri, Tàu Binh, Ba Bông, Chệt Trui, Nàng Pha, Nàng Son, Nàng Chiêm, Nàng Tây Nút, Nàng Chệt Cụt, Nàng Tây Bông Dừa, Bông Sen, Nàng Tây Đùm… Mỗi giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, được lựa chọn theo đặc điểm mực nước và thời điểm rút lũ ở từng vùng.
Ở vùng có nước rút sớm, người dân chọn giống chín sớm để kịp thu hoạch khi ruộng khô ráo. Ở vùng sâu hơn như bưng biền, nơi nước rút muộn, bà con trồng các giống chín muộn, thậm chí có giống lúa nổi chín sát dịp Tết Nguyên đán. Nhờ thời gian thu hoạch trải dài theo dòng lũ rút mà công việc gặt hái cũng dễ dàng hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất còn thô sơ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, năng suất lúa nổi không cao, dao động từ 0,6-2,1 tấn/ha, giống Ba Bông là giống cho năng suất cao nhất.
Theo GS Võ Tòng Xuân, canh tác lúa nổi là hệ thống “làm chơi, ăn thật”. Nông dân gần như không cần chăm sóc hay bón phân nhiều, chỉ cần gieo sạ và chờ ngày thu hoạch. Ngoài ra, ruộng lúa nổi còn cung cấp nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào như cá, tôm… Sau thu hoạch, rơm rạ còn lại rất dày, có thể cao đến vài chục phân, như một lớp màng phủ hữu cơ tự nhiên. Lớp rơm này giúp giữ ẩm, giảm cỏ dại và là điều kiện lý tưởng để canh tác vụ màu sau như: đậu, mè, bí, dưa, bắp, khoai mì… mà ít cần tưới tiêu hay bón phân.
3 Ngày nay, dù lượng lũ về Đồng bằng sông Cửu Long đã suy giảm do nhiều tác động ở thượng nguồn, nhưng lúa nổi vẫn giữ vai trò quan trọng. Nếu khai thác hợp lý, lúa nổi sẽ là công cụ quan trọng để trữ nước lũ, phát triển thủy sản, và hướng đến nền nông nghiệp thuận tự nhiên - đúng theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP.
Trường đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2012 đã khởi động chương trình bảo tồn cây lúa nổi - loại lúa truyền thống đặc trưng vùng lũ. Khi đó, diện tích lúa nổi còn chưa đến 60 ha, phân bố rải rác ở An Giang và Đồng Tháp, chủ yếu trồng để ăn hoặc trao đổi địa phương. Trường đã tiến hành sưu tập giống, phục tráng và cải tiến cả về giống và kỹ thuật canh tác: rút ngắn thời gian sinh trưởng từ sáu tháng xuống còn dưới bốn tháng, chuyển từ thu hoạch thủ công sang cơ giới hóa. Trong điều kiện lũ thấp, chừng
100 cm, cây lúa nổi không mất nhiều chồi gốc tạo nên các bông to và nhiều hạt, đạt năng suất ổn định hơn. Giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm được Trường đưa vào sản xuất từ năm 2018, đến nay năng suất ổn định khoảng 3.0 tấn/ha trong điều kiện lũ thấp.
Chúng tôi đang phát triển giống lúa nổi mới có mùi thơm, mềm cơm, phù hợp thị hiếu tiêu dùng ngày nay, để góp phần mở rộng diện tích trồng lúa nổi theo hướng thuận tự nhiên và hỗ trợ chứa nước ngọt vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình canh tác có thể tích hợp đa dạng như: hai vụ lúa cao sản + một vụ lúa nổi kết hợp thủy sản; Lúa cao sản- màu-lúa nổi kết hợp thủy sản,… Có thể trồng một vụ ngay thời gian lũ để giúp xả lũ trong vùng canh tác lúa ba vụ, nhằm giảm độc chất và tăng độ phì của đất. Tùy điều kiện địa phương, có thể linh hoạt áp dụng mức độ xả lũ khác nhau. Các giống lúa nổi thích nghi với lũ thấp cũng đang được phát triển, giúp phục hồi văn hóa mùa nước nổi, đồng thời xây dựng thương hiệu gạo đặc sản.