Thách thức từ bên trong
Dù đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững với Chiến lược Tăng trưởng Xanh từ năm 2021 và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Vấn đề cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đang là rào cản lớn. Chỉ khoảng 5% phòng thí nghiệm trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo nên hạn chế nghiêm trọng về năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, điển hình như việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, chi phí đầu tư lớn và các rào cản pháp lý chưa được hoàn thiện.
Không chỉ vậy, mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ còn thấp - chỉ khoảng 0,5% GDP. Trong khi đó, quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh lại đòi hỏi mức đầu tư lớn và dài hạn. Hạn chế này vừa làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa ảnh hưởng đến năng lực nội địa hóa công nghệ.
Ngoài ra, hệ sinh thái phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước vẫn còn phân tán, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn rất thấp - dưới 10%. Nguyên nhân chính là các sáng chế này chưa phù hợp nhu cầu thị trường, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư vào công nghệ nội địa, hoặc các quy trình chuyển giao công nghệ còn phức tạp và thiếu cơ chế khuyến khích hợp tác.
Trong khi các công cụ tài chính xanh mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm phần lớn tỷ trọng trong nền kinh tế) gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư xanh, do thiếu cơ chế hỗ trợ rõ ràng cũng như quy trình xét duyệt còn phức tạp.
Bên cạnh đó, việc chỉ khoảng 15% số kỹ sư trong nước đáp ứng được yêu cầu của các dây chuyền sản xuất công nghệ cao cũng đặt ra những bài toán hóc búa: Nhiều người lao động có kinh nghiệm, nhưng không đáp ứng được yêu cầu mới, trong khi các công ty vẫn "khát" nhân sự có chuyên môn cao về công nghệ xanh. Nếu không có các chính sách đào tạo bài bản và chiến lược phát triển nhân lực dài hạn, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ tụt hậu, trong cuộc đua phát triển công nghệ bền vững.
Hướng đi trước mắt
Nghị quyết số 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, là văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Có thể kể đến những điểm nhấn như việc đề xuất thành lập quỹ một tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh; mục tiêu dành tối thiểu 3% GDP cho nghiên cứu và phát triển; hay chính sách ưu đãi thuế, trong đó giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Đến năm 2030, Việt Nam kỳ vọng sẽ thuộc nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Để đạt được những mục tiêu đầy thách thức đó, cùng với những chính sách hỗ trợ có tính đột phá kể trên, trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực “ngách”, để tối ưu nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Chúng ta cũng cần cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cung cấp ưu đãi thuế cho các dự án chiến lược.
Đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP) và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là đòi hỏi cấp bách. Trong năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghệ cao chiếm phần lớn. Tesla và các công ty năng lượng xanh đang quan tâm đến việc mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Ngoài ra, việc tham gia các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn, từ đó thu hút các tập đoàn đa quốc gia.
Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, thông qua việc tham gia các dự án nghiên cứu chung, thí dụ chương trình Horizon Europe của EU. Đây là một trong những chương trình tài trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo lớn nhất thế giới với ngân sách hơn 95 tỷ EUR, là cơ hội để các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất.
Cơ hội từ “làn sóng Xanh”
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy: Sự ổn định chính sách và cam kết dài hạn là yếu tố quyết định thành công trong chuyển đổi xanh.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nền kinh tế xanh có thể tạo ra hơn 395 triệu việc làm vào năm 2030. Thống kê từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khoảng 67% sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo kỹ thuật có yếu tố công nghệ xanh tại Nhật Bản được tuyển dụng ngay sau khi ra trường, với mức lương khởi điểm cao hơn 20% so các ngành kỹ thuật truyền thống. Ủy ban châu Âu (European Commission) ước tính: Chỉ riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đóng góp hơn 1,3 nghìn tỷ EUR cho GDP của Liên minh châu Âu vào năm 2022, đồng thời tạo ra hơn 12 triệu việc làm.
Bối cảnh hiện nay không chỉ tạo nên động lực đổi mới, mà còn mở ra vô vàn cơ hội hợp tác quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6-7% trong thập niên qua, cùng cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ xanh đang gia tăng đáng kể. Hơn 15 tỷ USD được rót vào các dự án năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2018-2022 (số liệu từ Ngân hàng Thế giới) cho thấy Việt Nam không đứng ngoài xu hướng chuyển dịch xanh toàn cầu mà đang từng bước khẳng định vị thế là một trung tâm công nghệ bền vững trong khu vực.
Trong sự chuyển động mạnh mẽ của tình hình thế giới cũng như cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc gia về công nghệ xanh trở thành yêu cầu cấp thiết. Bộ Khoa học và Công nghệ cần đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập hệ thống tiêu chuẩn này, nhằm tạo hành lang pháp lý và định hướng chiến lược. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một lộ trình cụ thể nhằm tích hợp công nghệ xanh vào các chương trình đào tạo kỹ thuật theo hướng tiếp cận thực tiễn và ứng dụng cao, tạo cơ hội cho nhân lực trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào các ngành sản xuất gia công có giá trị gia tăng thấp.