Cần có tầm nhìn mới

Để phát triển nhà ở xã hội bền vững, công tác quy hoạch quỹ đất là một khâu rất quan trọng. Song trên thực tế, không ít địa phương lại chưa quan tâm vấn đề này, hoặc có quy hoạch nhưng chưa hợp lý do “vướng” nhiều quy định pháp lý khá cứng nhắc.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) đang triển khai phần móng. Ảnh: VĂN HÙNG
Dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) đang triển khai phần móng. Ảnh: VĂN HÙNG

Loay hoay với quy định “trích lập 20% quỹ đất”

Bộ Xây dựng, cho biết đến nay cả nước mới có 33 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Trong đó, 33 địa phương đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội.

Dẫu vậy, tại các địa phương đã quy hoạch, còn có địa phương bố trí quỹ đất chưa tương xứng, như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…Quyết định 444/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 yêu cầu các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhưng có đến 26 địa phương chưa có căn hộ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2024, như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Hay tại hai thành phố có chỉ tiêu phát triển nhà xã hội cao nhất cả nước là: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (lần lượt là 56.200 căn và 69.700 căn). Tuy nhiên, bốn năm qua, hai địa phương này hoàn thành chưa đến 21% chỉ tiêu đề ra.

Không ít chuyên gia cho rằng, ngoài việc chưa có hoặc chưa đạt chỉ tiêu đề ra, công tác quy hoạch, bố trí đất xây dựng nhà ở xã hội cũng còn nhiều điều phải bàn. Đơn cử, quy định trích lập 20% quỹ đất làm dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội đang gây khó khăn cho cả công tác xây dựng nhà ở xã hội và phát triển nhà ở thương mại. Bởi nhiều chủ đầu tư e ngại, xây dựng nhà ở xã hội đồng thời với nhà ở thương mại trong cùng dự án sẽ kéo giá bán căn hộ thương mại xuống thấp.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, đối với một số địa phương ít có nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, việc quy định “cứng” quỹ đất như trên sẽ gây khó khăn cho việc phát triển nhà ở thương mại. Đồng thời, việc không có quy định cụ thể về vị trí, thời gian thực hiện xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, dẫn đến việc chủ đầu tư bố trí quỹ đất 20% ở vị trí không thuận lợi, hoặc vị trí khó giải phóng mặt bằng, khó triển khai xây dựng.

“Việc chỉ chú trọng vào quy định trích lập 20% quỹ đất trong các dự án phát triển thương mại, khu đô thị mới dẫn đến hầu hết các địa phương không chú ý bố trí quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị, dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương”, ông Trần Ngọc Chính phân tích thêm.

Đồng bộ quy hoạch tổng thể

Để giải quyết tình trạng nhà ở xã hội thường được bố trí ở vị trí “đầu thừa đuôi thẹo” của dự án, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, cơ quan chức năng cần quy định rõ, khi lập quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp…, phải quy hoạch quỹ đất để xây nhà ở xã hội, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc. “Chúng ta cần quy hoạch làm sao để đáp ứng nơi ăn chốn ở, công việc, nhu cầu sinh hoạt của cư dân, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa, giáo dục cho cư dân”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia Lê Bá Chi Nhân kiến nghị thêm: Cần phải đưa ra tầm nhìn quy hoạch nhà ở xã hội cho cả thành phố, thay vì chỉ quy hoạch cho từng quận, từng dự án. Chỉ như vậy mới rõ các liên phân khu, các kết nối về cơ sở hạ tầng, kết nối các dịch vụ tiện ích.

Xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm an sinh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bởi thế, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, áp dụng hệ thống văn bản pháp luật liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả, từ quy hoạch đến bố trí xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật.