Bước đi chiến lược tại thời điểm vàng

Là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói chung, trong suốt 25 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, song vẫn đang tiếp tục phát triển theo tinh thần tiến kịp, đi cùng, tăng tốc.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức xếp hạng quốc tế là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Ảnh: Dũng Minh
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức xếp hạng quốc tế là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Ảnh: Dũng Minh

Những con số biết nói

Cách đây 24 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, với vỏn vẹn hai doanh nghiệp niêm yết và sáu công ty chứng khoán thành viên. Đến cuối năm 2023, thị trường đã có gần 2.300 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động.

Từ chỗ muốn tham gia giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư bắt buộc phải đến các trung tâm chứng khoán, đăng ký mua bán chứng khoán bằng phiếu, đến nay nhà đầu tư có thể ngồi bất cứ đâu, giao dịch bằng bất kỳ thiết bị thông minh nào. Hiện nay, nhà đầu tư có thể sở hữu các công cụ phân tích hiện đại, thông minh được cung cấp đa dạng, phong phú, tiện dụng trên nhiều nền tảng thay vì phải theo dõi trực tiếp qua bảng điện tử. Thị trường chứng khoán đã không ngừng hoàn thiện và hiện đại hóa. Cơ cấu của thị trường cũng được mở rộng, từ thị trường cổ phiếu đơn thuần, nay đã có thêm thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Tiên phong đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) là doanh nghiệp đầu tiên nhận giấy phép niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị REE, nhớ lại, thời điểm đó, kỳ vọng huy động vốn với chi phí hợp lý và bền vững trên sàn chứng khoán là ý tưởng tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Theo thời gian, thị trường vốn, thị trường chứng khoán dần trở thành xương sống, mạch máu của nền kinh tế và là chứng minh cho sự đúng đắn về chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thị trường cũng không ngừng phát triển về quy mô và khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng trưởng tích cực, tương đương khoảng 58,1% GDP (năm 2023). Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3.000 tài khoản (năm 2000) đã lên hơn 7,29 triệu tài khoản (năm 2023). Giá trị giao dịch bình quân năm 2023 ước đạt gần 24,4 nghìn tỷ đồng/phiên, riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên vượt con số 1 tỷ USD. Trong 10 năm (2014-2023), thị trường chứng khoán đã thực hiện huy động 3,8 triệu tỷ đồng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường như: Qatar, Kuwait, Hy Lạp, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương: Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.

Với nhận định, thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng, khi phát triển đến trình độ cao, thị trường chứng khoán có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế, là kênh đầu tư hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư. Đồng thời, là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.

Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Chính vì vậy, chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định, khi phát triển kinh tế thì không thể thiếu thị trường chứng khoán và việc phát triển thị trường chứng khoán là một yêu cầu khách quan.

Bước đi chiến lược tại thời điểm vàng ảnh 1

Chỉ số P/E của VN Index đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 (Dữ liệu từ ngày 22/11/2022)

Cải thiện lòng tin và chất lượng thị trường

Từ nhóm thị trường sơ khai, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức xếp hạng quốc tế là Morgan Stanley Capital International (MSCI) và Financial Times Stock Exchange (FTSE Russell) xếp vào nhóm thị trường cận biên và đang trong danh sách nhóm chờ nâng hạng thị trường mới nổi.

Với những điểm sáng của Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị-xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua được các tổ chức quốc tế đánh giá cao bởi khung pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã đạt những chuẩn mực pháp lý theo hướng các thị trường đã phát triển. Thực tế, theo ghi nhận trên thị trường, mặc dù các tổ chức xếp hạng quốc tế xếp ở nhóm thị trường cận biên. Song, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam như… thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó không ít bất cập, hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, khó khăn hơn so dự báo, là nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, Việt Nam chịu áp lực lớn trong việc quản lý, vận hành thị trường chứng khoán khi tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán còn tồn tại; chuẩn mực về pháp lý, nhân sự, chế tài xử lý… còn chưa nghiêm minh, kịp thời; thông tin công bố của một số doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác… gây thiệt hại cho nhà đầu tư và suy giảm niềm tin thị trường.

Là nhà đầu tư F0 (lần đầu gia nhập thị trường) cuối năm 2011 - thời điểm thị trường tăng trưởng kỷ lục, chị Nguyễn Thị Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chưa quên cảm giác bùng nổ khi chứng kiến hàng chục phiên liên tục tăng mạnh, với mầu tím lan rộng trên bảng điện tử. Tất nhiên, chị Hằng cũng không thể dứt bỏ nỗi ám ảnh khi VN Index "tụt dốc không phanh" từ ngưỡng 1.500 điểm về mấp mé 900 điểm vào giữa năm 2022 sau khi nhiều đại án về lừa đảo trái phiếu, thao túng chứng khoán liên tục bị các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Và số tiền tích lũy trong cả chục năm của chị hiện còn chỉ là xác nhận sở hữu mấy trăm ngàn cổ phiếu giá bèo, với giá trị chỉ còn phân nửa so trước đây và nhiều mã không giao dịch.

Theo chị Hằng, khi đó, ngoài lòng tham, chúng tôi tham gia thị trường với nhiều cái không: Không kiến thức về chứng khoán, không thông tin về thị trường, doanh nghiệp, không có sự hỗ trợ từ các công nghệ hiện đại... Và đến khi thiệt hại cũng không biết bấu víu vào đâu.

Đây cũng là tâm tư chung của cả triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường, có lẽ điều này cũng là một trong những lý do để Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế trong năm 2025.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là cam kết hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam. Bởi việc nâng hạng thị trường không chỉ tạo ra lợi ích cho các chủ thể tham gia thị trường, mà còn cho nền kinh tế Việt Nam, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần cải thiện sự tín nhiệm thị trường, tín nhiệm quốc gia Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg, với những mục tiêu quan trọng và giải pháp cụ thể, khả thi, ông Ketut Ariadi Kusuma (Trưởng ban Tài chính Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng, đây là minh chứng cho quyết tâm mạnh mẽ, khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán. Bước đi chiến lược này phù hợp mục tiêu chuyển đổi Việt Nam thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Hiện là thời điểm vàng để Việt Nam triển khai bước đi chiến lược này.

Ghi nhận những cam kết tích cực của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, FTSE Russell đánh giá, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung là thuận lợi. Khi mục tiêu này thành hiện thực sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trên thế giới, tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường và vị thế quốc gia của Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới tính toán, trong trường hợp được nâng hạng, tới năm 2030, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế. Dòng vốn này kỳ vọng sẽ cải thiện cả về quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.