Đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã chính thức bước vào tập luyện từ ngày 22/1 tại Hà Nội. Vòng loại Olympic khu vực châu Á sẽ diễn ra vào tháng 5 ở Bangkok (Thái Lan) và 4 tay vợt Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh sẽ có hơn 3 tháng tập luyện với cường độ cao. Đây đều là những gương mặt sở hữu nền tảng chuyên môn tốt và nhận được kỳ vọng. Trong đó, đáng chú ý là sự trở lại của Mai Hoàng Mỹ Trang (TP Hồ Chí Minh) kể từ sau khi quyết định chia tay đội tuyển năm 2021. Hiện, tay vợt sinh năm 1988 đang sở hữu bảng vàng thành tích đáng nể, gần nhất là HCV đơn nữ tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9 năm 2022. Bên cạnh đó, Mỹ Trang cũng là chủ nhân của 13 chức vô địch của các giải Bóng bàn quốc gia.
Các tuyển thủ còn lại cũng được đánh giá là có phong độ tốt nhất thời gian gần đây. Cũng đến từ TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Khoa Diệu Khánh là cái tên không còn xa lạ với giới bóng bàn trong nước với thành tích mới nhất là giành HCV nội dung nữ giải Các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2023. Còn Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) từng giành HCB đơn nam tại SEA Games 32; HCV đơn nam Đại hội thể thao toàn quốc lần 9; HCV đơn nam vô địch quốc gia 2023; HCV nội dung nam giải Các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2023. Và Đinh Anh Hoàng (Hà Nội T&T) đang nắm giữ ngôi Á quân đơn nam giải Vô địch quốc gia cùng Á quân giải Các tay vợt xuất sắc toàn quốc. Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc là chủ nhân của HCV nội dung đôi nam nữ ở SEA Games 32.
Một sự trở lại được chờ đợi chính là màn tái xuất của cựu danh thủ Đoàn Kiến Quốc ở cương vị HLV trưởng với nhiệm vụ giành suất tham dự Olympic cho bóng bàn Việt Nam. Lần gần nhất, bóng bàn Việt Nam có được suất chính thức dự Olympic là năm 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Và người giành vé khi ấy chính là Đoàn Kiến Quốc. Ông cũng là tay vợt duy nhất của bóng bàn Việt Nam có mặt ở 2 kỳ Olympic liên tiếp năm 2004 và 2008. Từ đó đến nay, bóng bàn Việt Nam liên tiếp giành HCV tại SEA Games năm 2017, 2019, 2021 và 2023 thế nhưng suất chính thức dự Olympic lại vẫn xa vời.
Phải nói rằng, trước đây, khi khu vực Đông Nam Á còn có vòng loại Olympic thì bóng bàn Việt Nam còn có cơ hội tranh chấp vé tham dự. Điều này đã được chứng minh bằng tấm vé năm 2004 và 2008. Tuy nhiên, khi Liên đoàn Bóng bàn thế giới không duy trì vòng loại Olympic khu vực Đông Nam Á mà chỉ còn vòng loại khu vực châu Á thì các tay vợt Việt Nam đã không còn hy vọng vì trình độ so với châu lục còn xa. Tại Asian Games 2023 ở Hàng Châu (Trung Quốc), tuyển bóng bàn Việt Nam dự 7 nội dung nhưng không có tuyển thủ nào lọt vào nhóm tranh huy chương và đội nữ xếp hạng 5 tại nội dung đồng đội nữ. Bên cạnh đó, các tay vợt Việt Nam chả mấy khi được dự giải quốc tế để có thể tích lũy điểm, từ đó góp mặt ở Olympic thông qua vị trí trên bảng xếp hạng thế giới.
Song, kể cả khi không có cơ hội hoặc rất ít cơ hội thì cũng phải cần góp mặt để cho VĐV được cọ xát và nâng cao trình độ, khẳng định sự “tồn tại” của bóng bàn Việt Nam trên bản đồ bóng bàn thế giới và hy vọng vào điều kỳ diệu để có thể sở hữu tấm vé dự Olympic - đó cũng là quan điểm của lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao. Theo Trưởng phòng Thể dục thể thao thành tích cao I Hoàng Quốc Vinh, năm nay, nếu không thành công ở vòng loại Olympic, bóng bàn Việt Nam vẫn còn các giải đấu quan trọng như vô địch Đông Nam Á, vô địch châu Á, vô địch cúp châu Á, vô địch trẻ châu Á. Vì vậy, nếu đội tuyển bóng bàn Việt Nam dự đủ các giải đấu thuộc các cấp độ này thì sẽ có thêm tích lũy chuyên môn. Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam hiện nay đang kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để thêm sự đầu tư cho sự nghiệp bóng bàn nói chung. Đội tuyển bóng bàn Việt Nam tham dự các giải đấu chỉ là một vấn đề, quan trọng lâu dài, bóng bàn Việt Nam cần nhiều nguồn lực để có thể phát triển hơn nữa.