Nhịp sống

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kho học liệu số trực tuyến

Nền tảng giáo dục số tại địa chỉ igiaoduc.vn là sản phẩm hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các đối tác nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung. Đến nay dự án đã cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.000 câu hỏi trắc nghiệm và gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.

Với nguồn học liệu số phong phú, tin cậy, igiaoduc.vn góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến; đồng thời giúp nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.

Công bố ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa chính thức công bố ngày 4-10 hằng năm là ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, vừa thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới, đề cao vai trò, giá trị, tầm quan trọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Việc chọn Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam trong tháng 10 phù hợp thời điểm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai nhiều hoạt động của năm học mới.

Thay đổi hình thức chương trình hỗ trợ thuốc điều trị ung thư 

Thông tin từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, chương trình hỗ trợ thuốc Nexavar cho bệnh nhân ung thư gan, thận và tuyến giáp vừa được tạm dừng để chuyển sang hình thức mới. Với mức giá thuốc điều trị từ 120 triệu đồng/tháng/bệnh nhân, bệnh nhân chỉ phải trả khoảng 25% chi phí này, 25% tiền thuốc do bảo hiểm chi trả, 50% là hỗ trợ từ nhà sản xuất. Sau bốn năm thực hiện, đã có 1.300 bệnh nhân tại 19 bệnh viện tham gia chương trình, tổng chi phí dành cho việc hỗ trợ là 211 tỷ đồng.

Chương trình chuyển sang hình thức mới theo hướng hỗ trợ thẳng vào giá thuốc. Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả 50% trong số này nếu bệnh nhân đủ điều kiện hưởng bảo hiểm, phần còn lại bệnh nhân chi trả. Theo đó, bệnh nhân sẽ chỉ phải trả khoảng 26 triệu đồng tiền thuốc/tháng, thấp hơn so với trước kia.

"Tôi lên tiếng - Tôi hành động"

Là tên cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cùng một số đơn vị phát động ngày 20-8. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông truyền tải các thông điệp về ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới (BLG) đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Sau năm tuần phát động, đã có hơn 100 bài dự thi, trong đó nhiều tác phẩm thể hiện sự lên tiếng và đưa ra những hành động mạnh mẽ. Sự kiện cũng thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ. Đây là cơ hội để các tác giả đưa ra những ý tưởng mới và đề xuất mang tính đột phá, cũng như các khuyến nghị nhằm ứng phó và ngăn ngừa BLG hiệu quả.

Sẽ xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe máy

Những năm vừa qua, số lượng xe mô-tô, xe gắn máy gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên do người dân chưa chú trọng việc bảo dưỡng xe trong quá trình sử dụng dẫn tới lượng khí thải gây ô nhiễm phát thải ra môi trường tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, việc kiểm định định kỳ đối với mô-tô, xe gắn máy chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008, lại có tác động ảnh hưởng đến người dân, phát sinh chi phí xã hội, thủ tục hành chính. Do đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa nội dung về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm định khí thải đối với xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi và sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét. Căn cứ quy định của Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô-tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Gọi điện quảng cáo có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Kể từ đầu tháng 10, khi Nghị định 91/2020 của Chính phủ có hiệu lực, các hành vi quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng sẽ bị xử phạt đến 30 triệu đồng. Nghị định này cũng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của một định nghĩa mới là Danh sách không quảng cáo (DoNotCall). Đây là tập hợp các số điện thoại đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Các đối tượng có hành vi gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách này sẽ bị xử phạt đến 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đầu số tiếp nhận phản ánh 456 sẽ được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chuyển sang hệ thống tiếp nhận phản ánh trên đầu số mới 5656 trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.

Mạnh Trường (Tổng hợp)