Bình an cùng vợ chồng họa sĩ

Thời gian này, mỹ thuật đang nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng nói chung và các nhà đầu tư nói riêng. Nhiều họa sĩ Huế từ đầu năm, đã tới và chọn TP Hồ Chí Minh là nơi trưng bày tác phẩm. Triển lãm lần này của cặp vợ chồng cũng đến từ xứ Huế - An và Huy - xứng đáng để người yêu hội họa dành thời gian đến thưởng lãm. Chất lượng nghệ thuật qua mỗi tác phẩm cũng thuyết phục được nhiều nhà chuyên môn và nghệ sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng họa sĩ Huy - An tại triển lãm.
Vợ chồng họa sĩ Huy - An tại triển lãm.

1/Triển lãm thứ hai của vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An (SN 1983) và Nguyễn Đức Huy (SN 1976), sau 5 năm, diễn ra tại Hakio - Let’s Art, TP Hồ Chí Minh, từ ngày 6 đến 12/8, mang tên “An & Huy”. Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm, trong đó 34 tranh - phần lớn các tác phẩm thuộc bộ “Hương thời gian”, “Tuổi thần tiên”, “Duyên” do họa sĩ Đặng Thị Thu An sáng tác và 26 bức được họa sĩ Nguyễn Đức Huy vẽ với tên là “Ánh sáng”.

Theo An và Huy, nghệ thuật là giá trị nhiều chiều, nuôi dưỡng con người, hướng con người đến giá trị chân thiện mỹ. Quan niệm nghệ thuật, bản ngã của từng cá thể có thể được bộc lộ khá thú vị... “Cuộc sống ngày một già đi nếu ta không tìm thấy cái đẹp”, An và Huy cùng đồng điệu bày tỏ về suy nghĩ của hai vợ chồng qua triển lãm này: “Trái tim sẽ khô héo khi không còn nhìn thấy vẻ đẹp trong từng lá cây ngọn cỏ, sẽ không còn rung động trước giọt mưa bất chợt, sẽ không thấy được cái lung linh trong từng kẽ lá nụ hoa, sẽ không thổn thức trong đôi môi hồng chúm chím... và sẽ không còn thấy cái hay, cái đẹp trong thế giới hỗn độn, nhiều biến động như lúc này. Con người sẽ dễ cực đoan hơn, đổ lỗi nhiều hơn và phán xét nhiều hơn. Vậy thì chính cái đẹp từ nghệ thuật trong quá trình sáng tạo sẽ gắn kết và dẫn dắt chúng ta tìm đến những giá trị mà vật chất không phải quyết định tất cả. Đó chính là giá trị tinh thần. Giá trị nuôi dưỡng và làm đẹp cuộc sống”.

An và Huy vẽ như là một điều tốt đẹp để tiếp cận và làm cho cuộc sống này trở nên nhẹ nhàng hơn, thú vị hơn.

Để xây dựng được một phong cách cá nhân, với An hay Huy đều là quá trình rèn luyện về kỹ năng thật nhuần nhuyễn. Sau đó mỗi người sẽ kết hợp với những trải nghiệm cuộc sống của chính mình. Trong tranh Huy, thấy được những khoảnh khắc của khi hạnh phúc, lúc u buồn hay đau khổ tột cùng hay sự giải thoát khỏi ràng buộc của gai nhọn phận người để hướng về ánh sáng của giác ngộ. Đây là con đường Huy muốn đi tìm, không còn bị bó buộc vào thể loại trừu tượng, siêu thực hay ấn tượng. Trong tranh Huy bao hàm tất cả và anh gọi đó là phong cách Ý niệm!

Nhận xét về con đường sáng tác của chồng, họa sĩ Đặng Thị Thu An cho rằng: “Anh Huy là người có nhiều phong cách và thể hiện tác phẩm rất bất ngờ, đầy đam mê. Ngoài gia đình, gần như cuộc sống của anh ấy là vẽ. Đó cũng là sự đồng cảm mà chúng tôi tìm đến với nhau và ngưỡng mộ nhau”.

2/Đến tham dự triển lãm, dừng lại khá lâu trước mỗi bức tranh, họa sĩ Lương Lưu Biên cho rằng, vợ chồng An - Huy có nhiều năng lượng với lòng say mê công việc hội họa, đây là điều rất đáng quý. “Huy chuyên vẽ sơn mài nên ngoài sơn mài vẫn thích thể nghiệm ở nhiều cách tổng hợp về chất liệu. Cách vẽ trong loạt này của Huy có sự thay đổi nhưng vẫn đậm phong cách Huế”, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận xét. “Còn trong tranh của An, cách gợi mảng khối sáng tối có thể liên tưởng đến phong cách họa sĩ Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ... Ánh sáng này có tính phương Đông, không tả khối mà chỉ gợi khối, tách khối bằng nhấn buông sáng tối. Ánh sáng như tự phát ra từ bên trong chứ không phải đến từ bên ngoài. Cái khác nữa là An dùng nhiều mầu nguyên (mầu cơ bản) để có độ tươi sáng rực rỡ. Bằng cách chuyển nóng lạnh khéo léo, họa sĩ tạo được hài hòa cân bằng của tổng thể mầu sắc. Tinh thần chân dung có được nét bình an nhẹ nhàng mơ mộng hoài niệm xa xăm rất dễ chịu”.

Trong tranh, An chú trọng đến sự tỉ mỉ, chỉn chu đến chau chuốt, còn Huy lại thể hiện chất trên bề mặt tranh nhiều hơn. An vẽ mượt nhưng dày khối, mềm mại đầy tính nữ. Huy vẽ thiên về tính trang trí với chất xốp dày tạo nên sự hấp dẫn mạnh mẽ về hiệu ứng thị giác.

Khi quyết định làm triển lãm lần này tại TP Hồ Chí Minh, An cho rằng, lần này hội tụ đủ “duyên”: “Cùng chung với rất nhiều cảm nhận của những họa sĩ khác, chúng tôi đã làm việc tại xưởng vẽ trong một thời gian khá dài của giai đoạn dịch Covid. Giờ là thời điểm cả xã hội vươn mình thức giấc, nghệ thuật cũng vậy. Chúng tôi hào hứng đưa những đứa con tinh thần của mình ra tiếp cận với công chúng và cũng là dịp giao lưu, tri ân những nhà sưu tập đã luôn quan tâm đến tác phẩm của vợ chồng tôi trong thời gian qua”.

Bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tham dự triển lãm, họa sĩ Thu Trần cho rằng: “Triển lãm lần này như một dấu ấn, ghi lại chặng đường đã qua với ngôn ngữ hội họa êm đềm sẻ chia của An và vững vàng như người đàn ông duy nhất trong nhà. Theo đúng nghĩa đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm! Xứ Huế đúng là mộng mơ, An cũng mộng mơ trên cánh đồng sen của cô ấy. Huy lần này mang đến một tư tưởng tìm về cõi Phật, qua lối vẽ bán trừu và trừu tượng, biểu hiện”.

Họa sĩ Đỗ Hương dừng lại lâu ngắm từng bức tranh, với sự hài lòng, chị chia sẻ: “Tranh của An và Huy có nội lực của người Huế. Phơi lộ cảm xúc, tư duy mạnh và rõ ràng. Ẩn dụ, hàm ý hay biểu hiện đều mang đặc tính xứ kinh đô trầm lắng, thơ mộng và tâm tư màu sắc phảng phất hơi thở cung đình như ngẫu nhiên, như đời sống của họ. An tung tẩy chất đàn bà, khác với đàn ông vẽ đàn bà. Tranh An xem thấy vui, nhẹ, rất đời và tạo cảm xúc rất trong, sạch. Tôi đặc biệt thích tranh Huy. Người kiệm lời thể hiện qua tư duy, tôi thấy bên trong không gian Huy mở ra qua những nét đơn phức tạp hiển lộ tâm ý, ý tưởng Huy muốn truyền tải. Cách biểu hiện thu hút và hấp dẫn. Tranh Huy xem lâu, xem kỹ sẽ ngày càng hay và thích”.