Biển trời vào xuân thanh tao trong những đợt gió lạnh đủ để choàng thêm chiếc áo mỏng và những màn sương trắng trên biển bủa vây thành phố. Có một góc xuân như hiên đời bình lặng tôi đã gặp ở trên bao gương mặt phụ nữ vùng biển chất chứa nét mặn mòi của sóng nước, của bao lo toan đôi khi chợt đến, chợt về.
Tôi chân trần trên cát, theo sau đôi gánh nước của bà Chín trên biển Thọ Quang (Đà Nẵng). Mấy chục năm rồi người phụ nữ miền biển này vẫn thủy chung với gánh nước trên vai, gánh bao mùa xuân trôi qua bình lặng. Gánh nước biển để kiếm sống và gắn bó với biển như giữ cho bờ được bình yên. Tiếng bà chen qua làn gió biển, "Gánh bao nhiêu năm rồi đã quen dù ngày mưa hay ngày nắng. Khi chồng con đi biển, đàn bà ở nhà trăm thứ trên vai. Quen rồi. Cầu gì cho mùa xuân này à? Chỉ cầu có sức khỏe, để đàn ông vững vàng ra khơi và đàn bà làm bến đợi sau những làng chài ven biển". Tiếng bà hòa vào vị ngọt của biển ban mai, của cát trắng và những tháng ngày bình lặng. Áp vào những mạn thuyền vừa cập bến sau những ngày đạp sóng mưu sinh. Biển vẫn hào hoa và đầy quyến rũ, nhưng đằng sau những con sóng kia là cả một thế giới khác, một cuộc sống khác mà đôi khi những người đàn bà trên cạn vẫn buông lòng trong vài câu hát cũ... lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm!
Tôi hỏi bà Chín đã chuẩn bị gì cho ba ngày Tết cổ truyền? Bà ngưng lại giữa chơi vơi sóng nước rồi như bừng thức vì nghe nhắc tới Tết. Sẽ chu tất mọi thứ như hàng triệu gia đình Việt Nam khi Tết đến xuân về. Nhưng khác một điều có lẽ là góc xuân trên những chiếc tàu cá của gia đình. Vì mùa Tết cũng là mùa mà tàu của gia đình bà ra khơi để rồi ra giêng mới về cập bến, đó là mùa lộc biển đầu tiên của cả năm. Bà nói đã dành một góc đời mình để lo cho cái góc xuân trên tàu cá gia đình với những món ăn ngày Tết cổ truyền nhưng sẽ làm "đậm hơn" để giữ lâu trên biển. Mấy chục năm rồi bà cũng như bao người vợ, người mẹ làng biển, vẫn chu toàn thủy chung với đôi quang gánh, lúc thì gánh nước, lúc thì gánh cá, trượt dài trên những trảng cát dù ngày mưa hay nắng, vì mùa nào biển cũng mang lại niềm tin và khơi nguồn sự sống cho họ.
Hai giờ sáng, tôi về chợ cá trên âu thuyền cảng cá Thọ Quang. Cái lạnh cuối mùa se thắt đưa bước chân tôi dừng lại ở những hàng cá tôm tươi rói vừa được chuyển xuống tàu. Dáng các cô, các mẹ đang không ngơi nghỉ đôi tay. Nhưng lạ, nụ cười của họ ánh lên niềm tin và sự trải lòng lắng lại. Cuộc mưu sinh trên bờ đôi khi lại là điểm cân bằng giúp họ chờ đợi những con tàu cập bến. Thuyền neo bến, vợ chồng gặp nhau ngay trên cảng cá, rồi họ lại hòa vào dòng người mưu sinh, người trên biển, kẻ ở bờ. Đêm trôi lặng yên nhưng dòng người mưu sinh trên cảng cá lại chộn rộn phiên chợ cuối năm. Những chiếc nón lá chấp chới, những tiếng chào mời, tính toán, cân đong, tiếng máy tàu vừa cập bến với bao cá tôm sáng sớm... Đó là âm thanh của sự sống đang hiện hữu.
Sống ở biển, quen với mùi tanh nồng của biển và cũng thấm được phần nào nỗi vất vả phận người. Ai cũng sống bằng tất cả nghị lực, nương theo con nước biển đông, nương theo lộc biển mỗi mùa, mỗi tháng. Tuần trăng tròn hay đêm trăng khuyết, cuộc sống vẫn đắp bồi theo đôi quang gánh cuộc đời. Đằng sau những tấm lưng đẫm mồ hôi sáng sớm của những người mẹ, người vợ vùng biển, tôi đọc được mùi vị của cuộc sống, của giá trị hạnh phúc.
Ngày trời xanh mây trắng thì sóng bạc màu trắng xóa, ngày biển động sóng cuộn màu xám nâu. Đời người phụ nữ vùng biển cũng gập ghềnh như thế. Họ chưa từng nguôi niềm hy vọng cho những mùa xuân xanh màu đoàn tụ, trong nắng bạc biển xanh để quên bao vất vả thường ngày.
Cảm một nét xuân từ hình ảnh đôi quang gánh trên biển trời sóng nước, giữa những thanh âm quá quen thuộc của cuộc mưu sinh, lòng nhẹ như một làn gió mát vừa về ngang phố. Lại một mùa xuân trên thành phố biển...