Con đường triển vọng cho áo dài ngũ thân

Đến nay vừa tròn 280 năm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo ngũ thân làm trang phục cho toàn dân Đàng Trong (1744-2024). Đi qua lịch sử, có thời điểm áo dài ngũ thân chỉ xuất hiện ẩn dật trong các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Những năm gần đây, giá trị văn hóa, lịch sử thể hiện trên tấm áo này ngày càng được nhận thức đúng đắn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024 nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân và du khách. Ảnh: PHAN THANH HẢI
Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024 nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân và du khách. Ảnh: PHAN THANH HẢI

Về với giá trị xưa chưa cũ

Không ít người đã khá quen thuộc với tà áo ngũ thân xuất hiện gần đây qua các phim ảnh, video ca nhạc, chương trình truyền hình... Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm thương hiệu Vạn Thiên Y, có thể nói, áo ngũ thân giờ đây là dạng trang phục cơ bản mà người ta nhớ ngay đến khi nhắc tới trang phục cổ Việt Nam. Song, để hiện diện như ngày hôm nay, tà áo ấy đã đi qua không ít thăng trầm.

Là một người con của làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), nơi có nghề may áo dài ngũ thân lâu đời, chứng kiến những biến đổi của nghề truyền thống, nghệ nhân Đỗ Minh Tám kể lại: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, do đất nước còn nhiều khó khăn, theo tiêu chuẩn, mỗi nhân khẩu trong một hộ gia đình chỉ được phát một lượng vải nhất định. Để tiết kiệm, thay vì may áo ngũ thân, nhiều người chuyển sang may quần áo bình thường”. Thế nhưng, mạch nguồn di sản y áo đâu đó vẫn chảy âm thầm, nhỏ giọt. Bởi ở một số địa phương, các cụ cao niên giữ gìn tập tục mặc áo ngũ thân ra đình tế lễ, làm hội. Đến những năm 1990, việc may, mặc áo dài cũng trở nên phổ biến hơn nhờ vào phong trào khuyến khích học sinh, sinh viên mặc áo dài tới trường. Khi đó, trong guồng quay cơm áo gạo tiền, các hộ gia đình trong làng cũng như ông Tám đều chuyển mình theo xu hướng chung - may áo dài hiện đại của phụ nữ.

Cuối những năm 2010, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế có xu hướng quan tâm nhiều tới việc phục dựng, bảo tồn trang phục cổ truyền, nổi bật là áo ngũ thân. Đó cũng là khởi nguồn cho mối duyên đưa ông Tám quay lại với loại trang phục ông đã không may từ khoảng 30 năm trước. Ông Tám chia sẻ, khi đó, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt đã tìm gặp không ít người có thể may áo ngũ thân. Nhưng kỹ thuật may chưa chuẩn xác, khiến cho chiếc áo bị sai lệch đi rất nhiều so với hiện vật lịch sử. Sau đó, ông Bình tìm về làng Trạch Xá và gặp ông Tám. Nhờ được ông Bình truyền cảm hứng, ông Tám đã chủ động học hỏi thêm kỹ thuật từ các cụ cao niên là người làng, thậm chí có cụ lên nội thành Hà Nội sinh sống. Và trong đó, cụ Nguyễn Văn Nhiên là người nắm được phần lớn kỹ thuật may áo và đã truyền dạy lại rất tận tình cho ông Tám.

“Khi bắt tay vào phục dựng, cũng có không ít người quen khuyên can tôi rằng, người ta đi lên chẳng được, mình lại còn đi ngược. Bất chấp những lời nói đó, tôi vẫn lựa chọn đi ngược đường”, ông Tám tâm sự. Và nhờ cú lội ngược dòng ấy, ông Tám đã góp phần quảng bá hình ảnh chiếc áo đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đó là “thử thách” đầu tiên mà họa sĩ Nguyễn Đức Bình đặt ra, hoàn thiện 28 bộ áo cho các cán bộ Bộ Ngoại giao công tác tại nước ngoài. Sau khi may thành công, hình ảnh chiếc áo ngũ thân Việt Nam được nhiều người biết đến hơn.

Sáng tạo để tiếp sức lan tỏa

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của các chương trình giải trí, phương tiện thông tin truyền thông giúp áo ngũ thân tiếp cận đến đông đảo đối tượng, độ tuổi hơn. Song, còn rất nhiều người biết về nó mới chỉ là dừng lại ở việc nhận diện. Để nhiều người có cơ hội đến gần hơn với trang phục cổ truyền, cần ưu tiên tạo ra các sản phẩm, trải nghiệm không chỉ mới mẻ về hình thức thể hiện, mà còn phải có giá thành phù hợp với đại chúng. Khi nhiều người dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm văn hóa, sẽ tạo ra một thị trường tiềm năng, “đất dụng võ” cho những người làm ra sản phẩm. Sau một thời gian, thị trường đủ lớn, sẽ có sự phân hóa ra các dòng sản phẩm từ trung đến cao cấp.

Anh Nguyễn Văn Hiệu rất tán thành với việc đưa các hoa văn hiện đại lên áo ngũ thân, hoặc ngược lại, đưa văn hoa cổ xuất hiện trên áo ngũ thân lên các sản phẩm thời trang hiện đại. Điều này đang được Vạn Thiên Y nỗ lực thực hiện. Việc “phái sinh” sản phẩm thời trang hiện đại từ di sản gốc như vậy tạo cho người sử dụng cảm giác vừa quen, vừa lạ. Từ đó, mỗi người sẽ cảm thấy tò mò, cuốn hút trước những giá trị truyền thống.

Anh Hiệu nhận định, văn hóa thực chất là một quá trình vừa lưu giữ, vừa dung nạp và vừa cải biên. Vì vậy, bất cứ thời điểm nào cũng là lúc thích hợp để “cách tân” một di sản văn hóa, bao gồm cả trang phục. Nhất là hiện tại, thời trang được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa. Đây vừa là cơ hội, vừa là động lực để mỗi người làm công nghiệp văn hóa tiếp tục sáng tạo, thiết kế các sản phẩm thời trang dựa trên chất liệu truyền thống.