Nâng cao năng lực công nghệ là yếu tố sống còn

Chuyển đổi xanh không chỉ là vượt qua thách thức, mà còn là nắm bắt cơ hội để nâng cao năng lực công nghệ, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng TS CHỬ ĐỨC HOÀNG, Phó Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (Vayse) về chủ đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao năng lực công nghệ là yếu tố sống còn

- Thưa ông, phát triển công nghệ xanh và chuyển đổi xanh đang trở thành yêu cầu ngày càng cấp thiết. Quá trình này đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam những thách thức gì?

- Chuyển đổi xanh, với trọng tâm là xây dựng nền kinh tế xanh (chú trọng sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường), là con đường tất yếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Các cam kết quốc tế mạnh mẽ, cùng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt từ Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe về “xanh hóa” sản xuất và tiêu dùng, qua đó tác động trực tiếp đến các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.

Áp lực “xanh hóa” rõ rệt buộc các doanh nghiệp Việt phải thay đổi quy trình sản xuất, để giảm thiểu dấu chân carbon và tác động môi trường. Tương tự, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường lớn khác cũng tăng cường các quy định về hiệu quả năng lượng, quản lý hóa chất, và tái chế, tạo ra một “sân chơi” mới với luật chơi “xanh” hơn. Những quy định này tác động trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và điện tử. Đáng lo ngại, có tới 89% doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, là công cụ của EU nhằm định giá công bằng lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng có hàm lượng carbon cao nhập khẩu vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU), cho thấy mức độ sẵn sàng còn thấp trước những yêu cầu mới.

Sự thiếu hụt thông tin, hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu, và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tuân thủ các tiêu chuẩn xanh. Năng lực “xanh” còn nhiều hạn chế tạo nên nguy cơ mất thị phần, giảm kim ngạch xuất khẩu và bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Vậy, thực hành phát triển xanh có thể tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế của nước ta?

- Chuyển đổi xanh tác động đến tăng trưởng thông qua nhiều kênh khác nhau, góp phần tạo ra “cú huých” đa chiều cho nền kinh tế.

Thứ nhất, việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận, qua đó đóng góp vào GDP. Nghiên cứu của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-20%.

Thứ hai, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng.

Thứ ba, chuyển đổi xanh tạo ra các cơ hội đầu tư mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp hữu cơ, giúp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, quá trình thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp xanh và dịch vụ xanh sẽ tạo ra việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người lao động. Các nghiên cứu định lượng đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa chuyển đổi xanh và tăng trưởng GDP.

Nâng cao năng lực công nghệ, như vậy, là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp.

- Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam tự nhận diện và chủ động nắm bắt cơ hội trong quá trình đổi mới theo xu hướng xanh?

- Không chỉ còn là áp lực từ bên ngoài, các doanh nghiệp đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh như yếu tố then chốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Từ chỗ coi đây là khoản chi phí bắt buộc, nhiều đơn vị đã xem như cơ hội đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng.

Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo ở quy trình quản lý và mô hình kinh doanh cũng đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm cái mới, chấp nhận rủi ro. Việc chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên có chuyên môn về môi trường, năng lượng tái tạo, và các công nghệ xanh khác cũng góp phần nâng cao sức mạnh nội tại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thiết lập chuỗi cung ứng xanh để góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên.

- Trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển xanh và chuyển đổi xanh, thưa ông?

- Nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc định hướng, tạo lập môi trường thuận lợi và cung cấp các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Song, vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu lực trong thực tế, như việc cụ thể hóa các tiêu chí, quy chuẩn về “xanh”, cơ chế giám sát, đánh giá và chế tài xử lý vi phạm.

Chính phủ cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, quỹ hỗ trợ và chương trình tài trợ. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do thủ tục phức tạp, yêu cầu về tài sản bảo đảm.

Bên cạnh các hỗ trợ tài chính, các chính sách ưu đãi về thuế vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh, do mức ưu đãi còn hạn chế, phạm vi áp dụng chưa rộng, và thủ tục hưởng ưu đãi còn phức tạp. Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, tư vấn công nghệ, xúc tiến thương mại, và xây dựng thương hiệu xanh.

Cuối cùng, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư xanh cũng là trụ cột quan trọng trong chiến lược của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khoảng 2,5 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững trong giai đoạn 2022-2025. Để tăng cường thu hút đầu tư xanh (cả FDI và ODA), Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các dự án hấp dẫn và minh bạch, và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!.