Tạo nền móng để nâng cao vị thế

Hàn Quốc là một hình mẫu thành công trong phát triển khoa học-công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ xanh. Với chiến lược dài hạn, chính phủ Hàn Quốc đã đặt công nghệ xanh vào trọng tâm của quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hướng tới một mô hình phát triển bền vững, ít phát thải carbon, và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải thực phẩm được chuyển đến nhà máy xử lý ở Seoul, Hàn Quốc.
Rác thải thực phẩm được chuyển đến nhà máy xử lý ở Seoul, Hàn Quốc.

Sau chiến tranh, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 80 USD/năm.

Từ những năm 1960, chính phủ Hàn Quốc đã quyết tâm phát triển kinh tế thông qua khoa học và công nghệ, lấy trọng tâm nghiên cứu và phát triển là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ nước này đã thành lập các viện nghiên cứu quốc gia như Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) nhằm tập trung phát triển công nghệ cốt lõi phục vụ công nghiệp. Nhà nước cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho các tập đoàn lớn - chaebol (như Samsung, LG, Hyundai), giúp họ phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, bao gồm ưu đãi thuế, tài trợ vốn, và thiết lập các quỹ nghiên cứu quốc gia. Nhờ vậy, quốc gia này không chỉ bắt kịp các nước công nghiệp phát triển mà còn vươn lên dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.

Nhận diện được những thách thức môi trường và biến đổi khí hậu, Hàn Quốc sớm đặt công nghệ xanh làm trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế. Năm 2009, nước này công bố “Kế hoạch Tăng trưởng Xanh” với ngân sách 83,6 tỷ USD trong 5 năm để thúc đẩy công nghệ sạch và giảm phát thải khí nhà kính.

Các chính sách quan trọng được đưa ra, bao gồm: Đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió; Phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng (ESS) để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo; Tăng cường xử lý chất thải và tái chế với các công nghệ tiên tiến như hệ thống phân hủy rác thải sinh học và tái chế nước thải.

Đặc biệt, tính hiệu quả của các công nghệ xử lý rác thải đã biến quốc gia này trở thành hình mẫu học hỏi cho các nước khác trên thế giới. Như công nghệ để xử lý rác thải thực phẩm, phần nước rò rỉ sẽ được chuyển hóa thành khí sinh học để sưởi ấm nhà dân. Phần còn lại sẽ được xử lý thành phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Theo quy trình này, Hàn Quốc đã tái chế gần như 100% rác thải thực phẩm, tạo nên bước nhảy vọt đáng chú ý so mức chỉ 2,6% (năm 1996). Thậm chí, công nghệ này đã được phát triển ra ngoài phạm vi của các nhà máy tập trung, để xuất khẩu ra nước ngoài.

Chính phủ Hàn Quốc liên tục ưu tiên công nghệ xanh trong chính sách phát triển quốc gia. Các chương trình như “Tầm nhìn Quốc gia về Tăng trưởng Xanh” được duy trì và mở rộng qua nhiều chính quyền khác nhau, cho thấy sự cam kết lâu dài, góp phần xây dựng nền móng vững chắc để các doanh nghiệp tiến bước.

Tại Hàn Quốc, các viện nghiên cứu, như KIST và KAIST (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc) và các trường đại học trọng điểm có nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ nền tảng. Song song, Chính phủ cũng hỗ trợ các tập đoàn lớn xây dựng trung tâm nghiên cứu riêng, để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của từng nhóm ngành. Ngoài ra, các dự án hợp tác công-tư được xây dựng nhằm chia sẻ rủi ro và tăng cường khả năng thương mại hóa công nghệ.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D), với tỷ lệ đầu tư đạt khoảng 4,8% GDP (2022). Trong đó, một phần lớn ngân sách được dành cho công nghệ xanh. Nhờ đó, Hàn Quốc đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và pin lưu trữ.

Các tập đoàn như LG, Samsung và Hanwha đã phát triển các tấm pin mặt trời hiệu suất cao và hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến, giúp tăng cường khả năng tích trữ và sử dụng điện tái tạo. Tuy nhiên, ngành sản xuất polysilicon - nguyên liệu chính cho pin mặt trời - đang gặp thách thức do sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Để thích ứng, Hàn Quốc đang chuyển hướng sang phát triển công nghệ vật liệu mới, pin lưu trữ thế hệ tiếp theo và hệ thống quản lý năng lượng thông minh, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị năng lượng xanh toàn cầu.

Quốc gia này chính là thí dụ điển hình cho quá trình không ngừng thích ứng, để bắt kịp và dẫn đầu xu thế phát triển xanh, giúp nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang phát triển bền vững.