Bài toán yêu cầu tầm nhìn dài hạn

Trong những năm gần đây, xu hướng “xanh hóa” chuỗi cung ứng không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu tác động môi trường, mà còn thúc đẩy hiệu suất vận hành, tiết kiệm chi phí, từ đó gia tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Traphaco ứng dụng công nghệ Pharma 4.0 vào sản xuất dược liệu. Ảnh: Sơn Tùng
Traphaco ứng dụng công nghệ Pharma 4.0 vào sản xuất dược liệu. Ảnh: Sơn Tùng

Rào cản không dễ vượt qua

Việc áp dụng công nghệ mới đòi hỏi nguồn vốn cho nghiên cứu, thử nghiệm và thay đổi quy trình sản xuất. Điều này sẽ tạo nên áp lực tài chính tương đối nặng nề, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tiếp cận và áp dụng công nghệ xanh vào chuỗi cung ứng. Một thách thức khác, như nhiều chuyên gia nhận định, đến từ sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đào tạo đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu về công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững.

Cùng đó, thói quen tiêu dùng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển của sản phẩm xanh. Nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại về giá cả cũng như chưa nhận thức rõ ràng về lợi ích của các sản phẩm thân thiện môi trường, khiến việc thúc đẩy mở rộng thị trường cho loại hình sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn. Một số công nghệ sản xuất xanh yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất, điều này không chỉ gây tốn kém mà còn tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn sản xuất trong thời gian đầu.

Với ngành gia dụng, quá trình sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều nhà cung cấp linh kiện, từ vỏ ngoài, bo mạch điện tử, động cơ đến các bộ phận nhỏ khác. Việc tối ưu chuỗi cung ứng từ khâu lựa chọn nguyên liệu, vận chuyển và sản xuất, cho tới quá trình phân phối và xử lý sản phẩm sau sử dụng... giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận đầu ra.

Những tập đoàn lớn như Samsung, Panasonic hay Philips đã đầu tư mạnh vào các giải pháp chuỗi cung ứng xanh. Họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot tự động để tối ưu hóa chi phí sản xuất và giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu. Các sản phẩm sử dụng công nghệ inverter cũng giúp tiết kiệm điện năng từ 30-50%, qua đó giảm lượng khí thải CO2.

Thực tế, chuyển đổi xanh là bài toán yêu cầu tầm nhìn dài hạn và sự đầu tư toàn diện, mạnh mẽ. Như trường hợp của Piltech Korea, công ty phát triển bộ điện phân tạo nước hydrogen ion kiềm sử dụng vật liệu xanh có độ bền cao, thay vì các lõi lọc nhựa truyền thống phải thải bỏ sau một thời gian ngắn. Công nghệ mới giúp tối ưu hóa quá trình lọc nước, kéo dài tuổi thọ sản phẩm lên tới 10 năm, đồng thời giúp giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường sau quá trình sử dụng. Chính quá trình nghiên cứu và phát triển từng “mắt xích” nhỏ trong chuỗi cung ứng xanh đã mang đến lợi thế giúp doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của mình.

Xây đắp những giá trị nền móng

Nhằm thúc đẩy “xanh hóa” chuỗi cung ứng, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách và quy định liên quan đến sản xuất bền vững. Cụ thể như bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp doanh nghiệp định hướng trong thiết kế và sản xuất sản phẩm bền vững. Ngoài ra, nhiều quy định quốc tế như ESG (Environmental, Social, and Governance) hay Bộ quy tắc RoHS (Restriction of Hazardous Substances - tạm dịch Chỉ thị về hạn chế các chất nguy hiểm) cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sản phẩm tới các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Dù vẫn còn một số rào cản, xu hướng thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng dành sự chú ý nhiều hơn tới các sản phẩm thân thiện môi trường. Do đó, công nghệ xanh sẽ góp phần giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Đơn cử, không ít sản phẩm được điều chế từ thảo mộc tự nhiên vốn mọc hoang và chưa được trồng tập trung. Việc người dân ồ ạt chặt cây để bán cho doanh nghiệp dược liệu khiến nhiều loài thực vật quý đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Nắm rõ vấn đề, Trafaco đã nghiên cứu và triển khai trồng cây chè dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Không chỉ chú trọng phát triển vùng trồng tập trung, doanh nghiệp còn hướng dẫn người dân thu hái bền vững (chỉ lấy lá, không chặt cành) để bảo vệ cây và thúc đẩy tái sinh tự nhiên. Đây là một phần trong dự án “Green Plan” được doanh nghiệp triển khai từ năm 2010, tập trung nghiên cứu và bảo tồn các loại dược liệu quý.

Traphaco còn hợp tác với Viện Dược liệu Trung ương để lai tạo giống cây chất lượng cao, đồng thời xây dựng mô hình liên kết với nông dân. Cán bộ của công ty xuống tận ruộng để hướng dẫn bà con từng bước khai thác dược liệu, góp phần phát triển hơn 20 vùng dược liệu đạt chuẩn. Ngoài ra, Traphaco cũng ứng dụng công nghệ Pharma 4.0 vào sản xuất dược liệu. Đội ngũ R&D đã thiết kế hệ thống giám sát thông minh, sử dụng cảm biến để theo dõi độ ẩm, dinh dưỡng đất, bảo đảm cây trồng phát triển tối ưu mà không cần hóa chất. Điều này không chỉ giảm tác động môi trường mà còn giúp tăng năng suất lên 30%, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, tối ưu hóa năng lượng và nâng cao giá trị thương hiệu.

Rõ ràng, chuyển đổi công nghệ xanh không thể chỉ được xem là xu hướng nhất thời, mà cần một lộ trình dài hạn, bao gồm nghiên cứu phát triển, đổi mới sản phẩm và nâng cấp quy trình sản xuất. Do đó, doanh nghiệp Việt cần linh hoạt trước các thay đổi của thị trường, nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng và nhanh chóng triển khai công nghệ mới. Sự chủ động trong nghiên cứu, hợp tác với các tổ chức công nghệ và tận dụng chính sách hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững.