Bất ngờ lớn trên chính trường Pháp

Vòng hai của cuộc bầu cử sớm tại Pháp đã chứng kiến một bất ngờ lớn, khi liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) giành chiến thắng trước phe cực hữu và trở thành lực lượng lớn nhất trong quốc hội mới. Tuy nhiên, việc không có lực lượng nào giành được thế đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp khiến tiến trình thành lập chính phủ mới của Pháp dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: THIAGO LUCAS
Biếm họa: THIAGO LUCAS

Khác hoàn toàn dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, tại vòng hai của cuộc bầu cử sớm tại Pháp, khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng cánh hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, với 182 so 149 ghế đại biểu của quốc hội sắp mãn nhiệm, liên minh cánh tả NFP chiếm vị trí dẫn đầu. Mặc dù giành thắng lợi lớn ở vòng đầu tiên, nhưng đảng RN và đồng minh chỉ giành được 143 ghế, đứng ở vị trí thứ ba. Liên minh Cùng nhau (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron đã mất đa số tương đối và chỉ còn duy trì được 168 so 254 ghế đại biểu trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ trước.

Thất bại nằm ngoài mọi dự đoán của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui của liên minh Mặt trận Cộng hòa, mà nòng cốt là phe cánh tả thống nhất và phe của Tổng thống Macron, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi. Thông điệp và hướng dẫn bầu cử của các đảng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cử tri. Trước đó, NFP đã rút 130 ứng cử viên và liên minh Cùng nhau đã rút 80 người khỏi các khu vực bầu cử mà phe cực hữu có ưu thế nhất để tạo cơ hội thêm điểm cho các đảng còn lại.

Kết quả bầu cử vòng hai càng khẳng định sự phân cực của chính trường Pháp, với ba khối có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong cơ quan lập pháp. Thắng lợi hoàn toàn bất ngờ đã giúp NFP vươn lên trở thành lực lượng chính trị lớn nhất, trong khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ. Do không có lực lượng chính trị nào chiếm đa số tuyệt đối, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không bị buộc phải từ chức hay buộc phải chọn Thủ tướng mới. Tuy nhiên, Tổng thống Macron, quốc hội và chính phủ mới tại Pháp được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ lớn là không thể dễ dàng làm việc cùng nhau.

Theo giới quan sát, NFP có thể thành lập chính phủ thiểu số hoặc tập hợp lại một liên minh, nhưng sẽ rất khó khăn khi các đảng hầu như không có điểm chung. Các cuộc đàm phán thành lập liên minh được dự báo sẽ không dễ dàng và cần nhiều thời gian. Báo Les Echos nhận định, với kết quả kiểm phiếu vòng hai, lối thoát duy nhất đối với ông Macron là hướng sang NFP. Nhiệm vụ của ông hiện nay là làm sao tránh rơi vào bế tắc về thể chế hoặc phải thành lập chính phủ kỹ trị, đồng nghĩa với việc phải từ bỏ các dự án cải cách.

Trong mục xã luận, nhật báo Le Monde cho rằng kết quả bầu cử vòng hai cho thấy người dân không muốn RN nắm quyền. Chính vì vậy, sự tập hợp lực lượng tạm thời của cánh tả và phe của tổng thống trong NFP phát huy đầy đủ tác dụng.

Theo truyền thông Pháp, khả năng lớn là Tổng thống Macron sẽ hợp tác với cánh tả, gồm các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Sinh thái và đảng Cộng sản, bởi đảng Nước Pháp Bất khuất đã bác bỏ việc hợp tác với ông. Tuy nhiên, việc hợp tác với cánh tả sẽ khó lòng suôn sẻ khi các chương trình nghị sự của phe này thường đi ngược với các dự án cải cách của Tổng thống Macron.

Với tiến trình thành lập chính phủ mới đầy khó khăn, các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử sớm chưa thể giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp hiện nay. Trong nhiều năm qua, bà Le Pen đã nỗ lực làm dịu hình ảnh của RN nhưng chính sách chống người di cư và chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc về châu Âu của đảng cực hữu này được cho là sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quá trình hội nhập châu Âu trong tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả khi RN không lên nắm quyền, nước Pháp vẫn có thể phải đối mặt nhiều tháng bất ổn chính trị cho đến hết nhiệm kỳ của ông Macron vào năm 2027 - thời điểm mà bà Le Pen có thể sẽ tuyên bố tranh cử Tổng thống.