Phương pháp giáo dục trẻ

Mạng xã hội mấy hôm nay xôn xao bàn tán quanh bài chia sẻ của một TS, nguyên là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bài viết đề cập chuyện “giáo dục con bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ”.

Trong bài viết, TS cho rằng: Cách đây gần chục năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục “không phạt”. Người ta lên án gay gắt mọi hình phạt dành cho trẻ. Dĩ nhiên, đánh, chửi, xúc phạm trẻ là không được rồi. Nhưng giờ, họ lên án cả “chép phạt”, “phạt tập thể dục”... thì thật sự không thể hiểu nổi. 

Cũng theo TS này, vì không bị phạt, bọn trẻ không hề có ý thức tuân thủ các quy định. Ngoài ra, bọn trẻ còn tìm cách giật dây người lớn, tìm cách để cha mẹ phản ứng với cô giáo hòng tránh cho chúng những thứ chúng không mong muốn… 

Quả thật, giáo dục trẻ em chưa bao giờ không được xã hội quan tâm. Nhất là trong thời điểm này, khi bố mẹ và thầy cô giáo đang phải thích ứng dạy và học online. 

Và thực tế cũng cho thấy, một số phụ huynh quá nuông chiều con em mình, nên khi thấy con bị thầy cô phạt, dù chỉ là “chép bài”, “tập thể dục” cũng đã có những phản ứng. Có gia đình biết rằng hôm nay cô sẽ “phạt”, liền lấy cớ con sốt, con ốm, nhà có việc đột xuất để xin cho con nghỉ học. Những việc làm như vậy, dần dần đã tiêm nhiễm cách ứng xử thiếu trung thực vào trẻ. Cũng từ những việc nho nhỏ như vậy, mà trẻ có thể nảy sinh tâm lý xem thường thầy, cô giáo.

Tất nhiên, không ai cổ xúy cho việc các thầy, cô sử dụng hoặc lạm dụng các hình phạt hà khắc, nhưng việc áp dụng các hình thức phù hợp từng lứa tuổi ở trẻ nhỏ cũng là một trong những biện pháp giáo dục để trẻ tuân thủ kỷ luật, biết nhường nhịn, chia sẻ và đặc biệt là giảm nguy cơ nảy sinh tính ích kỷ, coi thường người lớn, coi thường quy định, quy tắc. 

“Phạt” không có nghĩa là đánh đập hay bạo hành con em mình, học sinh mình. Chuyện ông bố ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mới đầu năm học này đã đánh con gái dẫn đến cháu bị tử vong là bài học cho lối giáo dục bạo lực, cần phải xử lý. Hay có những người cha bắt con cởi trần, phơi mình dưới sân nắng giữa trưa hè cũng là cách giáo dục đáng lên án.

Người xưa đã từng đúc kết trong câu nói “Yêu cho roi cho vọt”. Hiểu theo ý nghĩa tích cực, thì muốn một đứa trẻ thành người, nhất là ở những thời điểm trẻ có những phát triển tâm lý và thể chất đặc biệt, cần có những hình thức ứng xử nghiêm khắc khác nhau để “rèn” vào khuôn khổ. Theo các chuyên gia giáo dục, bên cạnh các hình thức giáo dục nhẹ nhàng, mang tính thuyết phục, chia sẻ và khuyên nhủ, việc có các hình thức ứng xử phù hợp khác nhau trong một số trường hợp đối với trẻ là một trong những biện pháp hữu hiệu, góp phần đào tạo, giáo dục ra những công dân tốt cho xã hội.