Lo cho người về quê

Những ngày qua, nhiều dòng người lao động tiếp tục từ các thành phố, trung tâm sản xuất lớn trở về quê tránh dịch; tránh những nguy cơ, khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Vì thế, bên cạnh những giải pháp giúp hạn chế, thuyết phục người lao động ở lại nơi định cư, nơi làm việc nhằm bảo vệ hiệu quả chống dịch, không để Covid-19 lây lan từ những vùng dịch lớn về các địa phương; với những quyết định “hồi hương” cũng được chính quyền và nhân dân các địa phương giúp đỡ, đón nhận với mục tiêu tôn trọng nguyện vọng quần chúng, bảo đảm an toàn cho người dân muốn về quê.

Theo đó, đã có định hướng phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong việc nắm bắt các đoàn người về, tổ chức dẫn đường, tổ chức đón nhận, xét nghiệm, cách ly các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm, có tiếp xúc liên quan theo quy định. Đồng thời, đòi hỏi cao với các địa phương về trách nhiệm quan tâm, chăm lo cho đồng bào; nâng cao hiệu quả kết nối, phối hợp giữa các tỉnh, thành phố nơi khởi hành, trên đường đi và nơi trở về. 

Dịch bệnh làm nảy sinh bao nhiêu hệ lụy mới yêu cầu giải quyết. Vấn đề quan tâm đến người lao động về quê, trong hiện tại cũng trở nên cấp thiết như những giục giã nóng bỏng khác trước đây, như hỗ trợ người lao động mắc kẹt lại các vùng dịch, người ở lại “ba tại chỗ” với doanh nghiệp, người lao động tự do thiếu nơi tá túc… Thực tế thời gian qua, nhiều đoàn người trở về quê hương đã được chính quyền, các đoàn thể, các nhóm thiện nguyện có những hỗ trợ nhất định. Đến nay, mong mỏi chăm lo tiếp tục được đặt ra nhiều hơn, thường xuyên hơn. Đó là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, bố trí cách ly với quy mô nhỏ, mức độ tập trung vừa phải; đưa các khu cách ly về các địa bàn cơ sở; cung ứng thực phẩm, theo dõi sức khỏe người cách ly hằng ngày. Xa hơn nữa, phần nào hỗ trợ người lao động về vật chất, tinh thần khi tạm ổn định đời sống với gia đình. Và còn xa nữa, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thể ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, các đô thị lớn, các khu công nghiệp, cùng các hệ lụy xã hội kéo dài của nó, thì việc không trở lại nơi làm việc trước đây nữa mà tìm việc ở địa phương, sẽ có thể trở nên một xu hướng mới. Như vậy, giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn cần được các địa phương nghiên cứu sớm, kịp thời đáp ứng. 

Bởi nếu không giải quyết hiệu quả những vấn đề này, rất dễ phát sinh ra những hệ lụy dai dẳng, nhiều nguy cơ tiêu cực, tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội và đời sống người dân.