Cần minh bạch khi công bố thuốc hỗ trợ điều trị

Vì giãn cách, không gặp mặt nên bà chị họ tôi liên tục gọi điện thông báo với giọng mừng vui: “Thuốc đông y chữa được cả Covid! Bộ Y tế cho phép hẳn hoi! Tôi vừa ra hiệu thuốc, ôm cả đống”. Ôi thế thì mừng quá! Vaccine đang thiếu, số ca bệnh lại tăng, cơ sở y tế quá tải, vậy thì còn gì hơn giữa mùa dịch bệnh thế này!

Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt thông tin, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT công bố 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19. Các loại thuốc đông y vốn được dân ta ưa dùng lâu nay vì ít có tác dụng phụ, dễ mua và giá thành rẻ. Chủ trương sẽ thí điểm cách ly các F0, F1 tại nhà mà có thêm những “bảo bối” này nữa thì dân càng vui mừng khôn xiết! Bà chị họ đã nhanh chóng “truyền cảm hứng” sang tôi. Dẹp các việc bận sang bên, gấp rút đeo khẩu trang, đội thêm tấm chắn giọt bắn đi nhanh ra hiệu thuốc gần nhà để mua về dùng dần. Thời đại thông tin có khác, ngay buổi chiều hôm tôi được thông báo, giá các loại thuốc “tiên” ấy đã tăng chóng mặt. Cô hàng thuốc còn ra oai: “Sáng mai hàng mới về, cháy hàng rồi!”.

Thế nhưng, thực tế khiến tôi băn khoăn. Trong 12 loại thuốc ấy, có cả những loại “không liên quan” đến căn bệnh Covid-19. Chẳng hạn, thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất - hướng dẫn sử dụng ghi rõ: “Trị các chứng huyết hư, ứ trệ” chứ không phải các triệu chứng đường hô hấp!!! Chưa hết, trong danh mục thuốc ấy còn có cả thuốc xuyên tâm liên, dân gian hay dùng để trị cảm cúm. Thế nhưng, ngày 26/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành cảnh báo: “Hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp mầu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp mầu xanh) đều ghi có công dụng phòng, chống Covid. Tuy nhiên, Cục khẳng định: “Hai sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục. Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid!”.

Rất nhanh, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT. Khi tìm hiểu thì vỡ lẽ, nội dung công văn không hề nhắc gì tới 12 sản phẩm này, mà chỉ đề nghị các bệnh viện, cơ sở y tế cân nhắc sử dụng các sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19. Thế nhưng, khi phát hành ra ngoài lại có kèm theo bản “Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19”. Bản phụ lục không hề có chữ ký người có thẩm quyền (!?).

Giải thích với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng: Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.

Trong lúc dịch phức tạp, việc công bố thông tin chưa rõ ràng về các sản phẩm cụ thể của các doanh nghiệp cụ thể chưa qua kiểm chứng lâm sàng sẽ nguy cơ gây nhiều hệ lụy. Có ý kiến còn cho rằng, những công bố thiếu rõ ràng, minh bạch như trên rất dễ chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại gây thiệt hại cho người dân - không chỉ tốn tiền mua sản phẩm mà nếu không may mắc Covid-19 rồi tự uống thuốc điều trị sẽ rất nguy hiểm. Đó là chưa kể, sau khi danh sách này bị thu hồi, sẽ khó tránh khỏi tâm lý kỳ thị các thuốc đông y nói chung. Trong đó, có nhiều loại thuốc đông y chất lượng tốt, được kiểm chứng lâm sàng, đang được nhiều người sử dụng.