Bảo đảm mỹ quan đô thị

- Chiếc cửa cuốn nhà mình bị vẽ bẩn lên rồi mẹ ạ!

Con gái lên 10 tuổi của tôi hốt hoảng chạy vào nói với mẹ đang làm đồ ăn sáng. 

Chẳng là, nghỉ hè, cả nhà dậy muộn. Sáng dậy cháu ra mở cửa nhà và giật mình khi phát hiện ra chiếc cửa cuốn chi chít những hình vẽ “loằng ngoằng”. Nhà ở mặt ngõ, mấy tháng nay kể từ khi sửa nhà, lắp thêm cửa cuốn đâu có sao. Thế mà hôm nay, bỗng dưng chiếc cửa cuốn đã chi chít hình vẽ.

Kiểm tra camera an ninh… Thì ra khuya qua, trong lúc mọi người ngủ say, có hai thanh niên đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang, cầm bình sơn trên tay cứ sơn sơn xịt xịt. Ước chừng 20-30 phút thì rời đi. Và kết quả là chiếc cửa cuốn vốn sạch sẽ, bỗng trở nên khó coi hơn.

Chuyện vẽ lên tường, lên cửa nhà dân, cửa cơ quan hay cửa các cửa hàng trên nhiều tuyến phố không phải là hiếm. Đợt Covid-19 vừa rồi, hoặc ai đi qua phố Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Buồm… ở Hà Nội vào những lúc sáng sớm, sẽ thấy các cửa nhà mặt phố bị vẽ kín hết cả. Thôi thì đủ mọi hình thù, mọi ngôn ngữ. Nơi thì viết chữ, chỗ thì vẽ hình… Không hẳn là những hình vẽ lăng nhăng, hay những câu chữ phản cảm, mà chỉ là những hình vẽ theo trường phái nghệ thuật đường phố (graffiti) vốn xuất hiện đã lâu trên thế giới.

Graffiti cũng đã xâm nhập vào nhiều đô thị ở Việt Nam và được nhiều bạn trẻ say mê, thử nghiệm, sáng tạo. Phải thừa nhận, trong nhiều hình mà giới trẻ đã vẽ, có những hình vẽ đẹp, tạo thành một điểm nhấn thu hút ánh nhìn giữa nơi công cộng, biến một số vị trí xấu xí, cũ kỹ, đơn điệu trở nên sống động, lạ mắt hơn.

Các chuyên gia am hiểu môn nghệ thuật này đều cho rằng, bản thân graffiti đích thực không phải là làm bẩn không gian công cộng, hay xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Thế nhưng, nhiều người lợi dụng graffiti để làm bẩn đường phố và vi phạm không gian riêng tư của người khác. Nhẹ là sơn vẽ lên tường, lên cửa nhà riêng mà chưa hề được phép của chủ nhân. Nặng hơn, là sơn vẽ lên những công trình công cộng, tường, cổng của một số điểm du lịch, di tích văn hóa… Như mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, hai trong số 17 đoàn tàu Metro số 1 ở TP Thủ Đức đã bị vẽ bẩn. Điều này đã khiến đơn vị chủ quản phải báo cơ quan công an để truy tìm đối tượng…

Bản thân nghệ thuật graffiti không đáng trách. Nhưng những người lợi dụng nghệ thuật đường phố graffiti để “thích thể hiện” thì rất cần có chế tài xử phạt thật nghiêm, có như vậy mới bảo đảm mỹ quan đô thị, hơn nữa để xây dựng văn hóa đô thị xanh - sạch - đẹp. Mặc dù luật pháp đã đưa ra một số hình thức để xử phạt, song nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa thấm vào đâu.