Vàng thau lẫn lộn

Những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự phát triển đột phá của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi tổng giá trị TPDN phát hành thành công trong thời gian gần đây đều vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành trên thị trường. 

Cụ thể, sáu tháng đầu năm nay, lượng TPDN phát hành thành công khoảng gần 200.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. 

Hết tháng 6/2021, theo số liệu của Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam khoảng 44,6% GDP, trong đó TPDN đạt khoảng 13,9%, bao gồm cả trái phiếu do DN không niêm yết phát hành.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển thị trường TPDN giúp khơi thông được kênh dẫn vốn trung và dài hạn với chi phí lãi suất ổn định, từ đó DN có thể mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn. Về vai trò, kênh TPDN đã san sẻ gánh nặng lớn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lớn tới các DN. Tuy nhiên, cùng với sự “lớn nhanh” của thị trường TPDN là những rủi ro đáng báo động. 

Minh chứng là dù đa số các TPDN này đều có tài sản bảo đảm khi phát hành, tuy nhiên trong sáu tháng đầu năm 2021, chiếm 28 - 30% số lượng TPDN được phát hành là không có tài sản bảo đảm. Rủi ro của thị trường TPDN thể hiện qua việc dư luận gần đây rất bức xúc khi lãi suất TPDN lên cao. Rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các DN bất động sản và không có tài sản bảo đảm. 

Ngoài ra, gần đây có một số TPDN phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành (NPH). Rủi ro của việc này là khi NPH rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của DN gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị. Do đó, hãy cẩn thận với trường hợp các NPH dùng chính cổ phiếu của họ để bảo đảm cho TPDN phát hành...

Vẫn biết, để thị trường TPDN phát triển theo đúng mục đích và ý nghĩa, cân bằng lợi ích giữa NPH và NĐT, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường. Dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, DN, NĐT, đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình không minh bạch để lừa đảo NĐT, phải có cơ chế và hệ thống để phát hiện được kịp thời và xử lý những hành vi đó. 

Bởi các NĐT phần lớn là cá nhân. Họ ít có khả năng để có thể phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của NPH. Chính vì thế rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các DN này. Và đương nhiên, làm sao các NĐT có thể kiểm soát được các NPH sử dụng vốn đúng mục đích. Nhất là trong bối cảnh DN phát hành hiện nay đang có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.