Sức hút & điểm nghẽn đầu tư

Hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) công nghiệp nói chung và các khu công nghiệp (KCN) nói riêng vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong nước, các DN nước ngoài cũng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. 

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết tháng 5/2021, đã có 394 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 121.000 ha. Việc hình thành và phát triển các KCN tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá là đã tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. 

Điều đó đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư (NĐT) lớn cả trong và ngoài nước bắt đầu tham gia hoặc mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Đại diện Công ty JLL cho biết, trong quý II/2021, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư mới và đón nhận nhiều NĐT mới gia nhập thị trường BĐS công nghiệp. Đây có thể xem là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả trong đại dịch.
Tuy nhiên, theo đại diện JLL Việt Nam, việc phát triển BĐS công nghiệp là xu hướng tất yếu, là thời cơ, song đồng thời cũng mang lại nhiều thách thức không nhỏ đối với các NĐT BĐS công nghiệp nói riêng và đối với Việt Nam nói chung.

Khó khăn trước mắt là từ đầu năm 2021 đến nay, giá thành nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao so đầu năm, đặc biệt là giá thép trong nước tăng mạnh. Việc tăng giá thép và các loại VLXD làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó, chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án.

“Điều này sẽ làm suy giảm nguồn cung BĐS công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê với nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới”, JLL nhận định.

Dưới góc độ của một DN BĐS, Giám đốc Kinh doanh TNI Holdings Việt Nam Vũ Thị Thu Hằng nhận định, xu hướng BĐS công nghiệp đang nhận được sự quan tâm lớn của NĐT. Song quy trình giải phóng mặt bằng (GPMB) và các thủ tục pháp lý để bảo đảm quỹ đất sạch cho NĐT hiện là những thách thức và áp lực rất lớn.

Theo bà Vũ Thị Thu Hằng, cũng do quỹ đất lớn của KCN, chủ đầu tư hạ tầng phải đền bù theo giai đoạn, song vì hành lang pháp lý và quy trình đền bù GPMB hiện còn rất nhiều vướng mắc, dẫn đến việc này phải kéo dài không chỉ ảnh hưởng toàn bộ quá trình hoạch định kinh doanh của DN mà còn đánh mất các cơ hội, dẫn đến việc tăng giá trên toàn thị trường.