Cần một chiến lược tổng thể

Hiện, trên thị trường, gần như tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng (VLXD) đều có sự biến động rất lớn về giá. 

Các vật tư như: cát, đá, gạch, xi-măng, tôn... đồng loạt tăng giá từ 20-25%. Đặc biệt, giá thép đã tăng vọt 40% so quý IV - 2020. Điều này gây khó khăn trong việc lập dự toán chi phí, nguồn vốn cho các dự án (DA) đầu tư công (ĐTC) sắp triển khai cũng như ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các DA ĐTC đang triển khai.

Thực tế, đà tăng giá đột biến của thép và nhiều mặt hàng VLXD khác… làm nhiều DA “đội” chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng… Trước tình trạng này, nhiều nhà thầu buộc phải lựa chọn giải pháp ngưng thi công. Điều này khiến hàng loạt DA ĐTC, DA trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Do giá thép tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) phải “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi để thương thảo những vấn đề phát sinh do đà tăng “đột biến” của thép và nhiều mặt hàng VLXD trong bốn tháng đầu năm. Bởi nếu không cập nhật biến động giá kịp thời, nguy cơ nhãn tiền với các DN là sẽ phải chịu thâm hụt lớn về tài chính, nhất là ở các DA đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Thậm chí, trong giai đoạn này, một số DA ĐTC đang trong giai đoạn chào thầu cũng không “hút” được DN tham gia do chưa có sự điều chỉnh giá VLXD và ổn định giá thầu.

Để giảm thấp nhất tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và một số đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp kịp thời giúp “ghìm cương” giá thép. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc công bố giá VLXD còn chậm, biến động giá thép và giá một số VLXD chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá VLXD của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Thực tế, thép là mặt hàng liên thông quốc tế, được điều khiển hoàn toàn bởi thị trường, nên nếu tăng năng lực sản xuất trong nước hay hạn chế xuất khẩu như một số ý kiến đang được nhắc tới thì câu chuyện giá cả cũng cần phải có xử lý tương ứng. Giá đầu vào cho sản xuất thép là quặng sắt, phế liệu hay phôi thép đều theo giá thế giới và nguyên liệu chiếm chi phối trong giá thành sản phẩm.

Bên mua - bên bán có gặp nhau ở giá không, nếu không thì dù năng lực sản xuất tăng lên nhưng vẫn không mua được thép thành phẩm. Chưa kể, DN bên bán nếu không có lợi thì họ không sản xuất nhiều. Như vậy, cái khó khăn ở đây không phải là vấn đề sản lượng, mà là vấn đề giá. Về bản chất, vấn đề này sẽ được thị trường điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu.

Để bình ổn thị trường và giảm bớt những hệ lụy không đáng có, thiết nghĩ, Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô theo thẩm quyền.

Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta cần một chiến lược phát triển ngành thép tổng thể, đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ với các ngành cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng thép chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra.