Dòng tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán

Theo các chuyên gia chứng khoán (CK), áp lực lạm phát tăng, nhưng không đáng ngại và bối cảnh hiện tại, thị trường (TT) CK vẫn hấp dẫn đối với dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu mới nhất, lạm phát bình quân bốn tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 0,89% so cùng kỳ và lạm phát lõi tăng 0,74%. Về dữ liệu theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,74% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất theo tháng kể từ tháng 9-2020. Lạm phát theo tháng tăng mạnh trong tháng 4 phản ánh rõ nhất xu hướng tăng của giá xăng dầu trong nước, trong khi đó, xu hướng tăng giá của các hàng hóa khác như vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi đều chưa phản ánh rõ vào diễn biến chỉ số lạm phát.

Theo Giám đốc Phân tích Công ty CK Mirae Asset Việt Nam Lê Quang Minh, xu hướng giá các loại hàng hóa cơ bản sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021 nhờ sự phục hồi từ phía cầu. Theo đó, một số ngành sẽ bị tác động tiêu cực như: nhựa, vận tải... do giá đầu vào tăng nhanh. Ngược lại, một số ngành sẽ được hưởng lợi như: đường, cao-su, phân bón, thép… Tuy nhiên, xu hướng giá các loại hàng hóa cơ bản sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021 nhờ sự phục hồi từ phía cầu.

Nhu cầu sản xuất, kinh doanh phục hồi khiến giá hàng hóa cơ bản và giá dầu tăng nhanh sẽ khiến lạm phát tiếp tục gia tăng trong nửa cuối năm 2021. Về sự khác biệt của tác động lạm phát lần này so trong quá khứ, một nhà phân tích có thâm niên cho rằng, việc tăng giá mạnh của giá hàng hóa cơ bản thế giới sẽ khiến Việt Nam phải đối diện lạm phát do chi phí đẩy. Tuy nhiên, áp lực này phần nào sẽ được giảm nhẹ. Dẫn lại diễn biến từ năm 2008 đến nay, theo nhà phân tích này, Việt Nam đối diện với hai lần lạm phát tăng cao giai đoạn 2007 - 2008 và 2011 - 2012. Sau thời điểm đó, lạm phát đi vào quỹ đạo giảm dần và thời gian qua đều được Chính phủ kiểm soát khá tốt gắn với nền tảng ổn định vĩ mô. Diễn biến lạm phát trong quá khứ có nguyên nhân tổng hòa từ nhiều yếu tố, nhưng nổi rõ lên nhất là lạm phát do yếu tố cung tiền tăng mạnh. Hiện tại, bài học quá khứ giúp Chính phủ thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Năm 2021, lạm phát bình quân ước tính khoảng 3,5% sau khi cân nhắc các yếu tố tác động đến lạm phát. Với kịch bản này, rủi ro lạm phát đến tỷ giá, lãi suất là không đáng kể, đồng thời chính sách tiền tệ của NHNN kỳ vọng được duy trì để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh còn hiện hữu.

Do lạm phát nằm vẫn trong mục tiêu kiểm soát của NHNN, ông Lê Quang Minh cho rằng, khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành là thấp. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ cho nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Ở giai đoạn hiện tại, triển vọng TTCK khá lạc quan sẽ càng hấp dẫn đối với nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Hơn nữa, lạm phát tăng phản ánh tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh và phục hồi từ phía cầu. Trên thực tế, tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) của các DN niêm yết trên HoSE trong quý I - 2021 đã tăng 95% so cùng kỳ. Ngoài ra, khi lạm phát tăng, kênh đầu tư trái phiếu cũng trở nên không hấp dẫn. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ chuyển hướng sang TTCK.