Bảo đảm an cư cho người lao động

Nhà nước đã có những quy định về điều kiện loại hình nhà ở với đối tượng hướng tới là các viên chức, người lao động, công nhân, người nghèo, những người thuộc dạng có thu nhập thấp. Mong mỏi có một chỗ ở đàng hoàng là điều mà tất cả những người lao động hướng tới khi bám trụ lại thành phố. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở xã hội dù rất lớn nhưng số lượng lại hiếm hoi.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp có thể mua, thuê nhà xã hội.
Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp có thể mua, thuê nhà xã hội.

1/Hiện nay, giá trung bình chung cư hạng trung tại Hà Nội khoảng 30 triệu đồng/m2, giá chung cư bình dân khoảng

20 triệu đồng/m2. Đây chỉ là con số trung bình ở những khu vực xa trung tâm, còn giá chung cư tại các quận gần trung tâm như Hoàng Mai đã có giá từ 35-50 triệu đồng/m2. Tính tới thời điểm hiện tại, để mua một căn hộ khoảng 60m2 ở quận Hoàng Mai cần phải có 2-3 tỷ đồng. Với số tiền như vậy thì những người có thu nhập thấp không thể nào mua được. Đáng nói hơn là trong khi thu nhập chưa tăng thì giá chung cư lại tăng liên tục. Trong 5 năm qua, giá bán chung cư phân khúc trung cấp và bình dân ở Hà Nội tăng chóng mặt so giá thị trường. Dự kiến, giá bán của các dự án mới sẽ tiếp tục tăng trong năm nay lên khoảng 4%.

Nguyên nhân khiến việc triển khai nhà ở xã hội luôn chậm trễ trước hết vì lợi nhuận. Do xây nhà ở xã hội lợi nhuận thấp lại gặp khó khăn trong việc triển khai pháp lý, phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Trong khi, giá đất vẫn liên tục tăng, chi phí vật liệu xây dựng và giá vật tư hoàn thiện biến động khá lớn khiến giá bán nhà ở xã hội từ khi triển khai đến khi bàn giao bị trượt giá mạnh nên không mấy chủ đầu tư muốn làm.

Bên cạnh đó, khi đăng ký mua nhà ở xã hội, người có nhu cầu mua nhà ở thật sự phải chờ bốc thăm, cùng với đó là phải làm nhiều hồ sơ để chứng minh đủ điều kiện mua nhà xã hội. Thế nhưng có những người dù không nằm trong đối tượng được mua nhà ở xã hội thì nhờ những “thủ thuật” khác nhau lại mua được. Đây là một nghịch lý đang tồn tại bấy lâu nay.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, có nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thuê nhà từ 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 25-30% thu nhập của công nhân, người lao động… khiến cuộc sống sinh hoạt của họ vẫn chưa được bảo đảm.

2/Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền Nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, có một số chính sách như dành nhiều quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua… đã được đề xuất hỗ trợ. Mới đây, trên cơ sở Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp đồng bộ giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho người lao động, bảo đảm an cư lạc nghiệp. Bên cạnh đó, với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, dự kiến kể từ ngày 30/6/2023, lãi suất cho vay hỗ trợ chủ đầu tư ở mức 8,7%/năm (áp dụng trong ba năm) và cho người mua nhà là 8,2%/năm (áp dụng trong 5 năm)… Đây là tin vui với người lao động đang phải đi thuê nhà trọ có cơ hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp là rất lớn. Ban quản lý cũng tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, đặc biệt là ở những nơi chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và cơ chế, chính sách nên rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện về thuế, nguồn vốn, đất và một số ưu đãi khác nhằm thu hút được các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Hà Nội có 10 khu công nghiệp, với hàng trăm nghìn công nhân lao động làm việc. Hầu hết các khu công nghiệp chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, mới có bốn khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu. Hiện vẫn còn khoảng 100 nghìn công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhưng thiếu chất lượng và an ninh không bảo đảm. Do không có nhiều khả năng tích lũy kinh tế để mua nhà, họ phải trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp để thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu cuộc sống.