Băn khoăn nhóm chứng khoán

Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, dẫn đến việc nở rộ các nhóm (group) chứng khoán trên mạng. Không thể phủ nhận một số tác dụng nhất định, nhưng nhiều nhóm chứng khoán hiện nay cũng khiến nhà đầu tư (NĐT) phải băn khoăn.
0:00 / 0:00
0:00

Nếu nhìn rộng thì có thể chia nhóm chứng khoán thành các nhóm sau: Đầu tiên là các diễn đàn chứng khoán trước đây, giai đoạn mà mạng xã hội chưa phát triển. Song song với các diễn đàn này, cũng có các nhóm chat thông qua các công cụ như skype, nhưng phạm vi tương đối hẹp. Hình thái của các nhóm này duy trì và phát triển cho đến gần giai đoạn 2020. Nhìn chung, dân đầu tư chứng khoán lúc này không có nhiều vấn đề với các “group chứng khoán” và chủ yếu sử dụng để làm một kênh tham khảo thông tin, giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán (TTCK) bùng nổ giai đoạn Covid-19, kéo theo một thế hệ NĐT mới, trẻ tuổi, sử dụng công nghệ nhiều hơn thì các nhóm chứng khoán bắt đầu bùng nổ về hình thái và số lượng.

Hình thái phổ biến nhất chính là việc các nhân viên môi giới tìm cách mời chào các NĐT tham gia các nhóm chat của mình để nhận thông tin, khuyến nghị giao dịch cổ phiếu (CP). Để đạt được điều này, các nhân viên môi giới có thể gửi email, thực hiện bán hàng qua điện thoại, tham gia các diễn đàn chứng khoán để bình luận, dự báo để “lấy số” với nhiều người… Không hiếm gặp các bài đăng trên mạng xã hội trong đó đi kèm với quảng cáo tham gia nhóm chat Viber, Zalo… Điều này thật ra cũng bình thường, vì môi giới phải chịu áp lực doanh số, có khách thì mới có giao dịch, hoa hồng… Nhưng những bất tiện, và cả rủi ro từ những nhóm này mới là điều đáng nói.

Gần đây đã có một bức ảnh chế, với nội dung là môi giới muốn có khách thì phải biết… sử dụng photoshop để ghép ảnh, khoe lãi lớn. Nghĩa là không loại trừ khả năng, sẽ có những chiêu trò để lôi kéo khách bằng được vào các nhóm, mà cái gì không thực thì không tốt và gây rất nhiều hệ quả. Vấn đề nằm ở chỗ, những NĐT mới, nhất là một số NĐT trẻ tuổi chưa đủ khả năng để nhận biết thông tin phù hợp. Chuyện NĐT trẻ tuổi nào đó, dễ sa đà vào những suy nghĩ đánh chứng khoán giàu nhanh, lãi khủng đã và vẫn sẽ xảy ra nếu còn xuất hiện những thông tin tư vấn kém chất lượng.

Có một hiện tượng vẫn xảy ra với nhiều NĐT, kể cả NĐT có thâm niên, là khi đã lỡ sóng, hoặc trúng vào một “dây” các sai lầm thì sai cứ chồng sai và giao dịch rất thiếu hiệu quả. Thông thường khi ở trạng thái như vậy, các chuyên gia khuyên NĐT nên đứng ngoài một thời gian, quan sát, để cảm nhận đúng, nhìn nhận phù hợp về thị trường rồi mới quay lại. Tuy nhiên, nếu NĐT ở trong các nhóm thường xuyên, sẽ bị nhiễu loạn thông tin kiểu CP này đã tới điểm mua, CP kia chạm ngưỡng kháng cự, CP nọ phải cắt lỗ… Và theo một số nguyên tắc thì nếu danh mục lỗ 10% thì phải cắt, nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu lỗ 3-4 lần 10% thì cũng “bay” mất nửa tài sản. Nên thiết nghĩ, nếu cơ quan quản lý nhắc nhở công ty chứng khoán phải chấn chỉnh hoạt động của các môi giới, đặc biệt trong việc tham gia, vận hành các nhóm chứng khoán thì đó cũng là điều phù hợp để chuẩn hóa thông tin thị trường, bảo vệ NĐT.