Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Sẽ xây dựng danh mục cổ vật “chảy máu” ra nước ngoài và có phương án hồi hương

NDO - Trước thềm năm mới, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã hồi hương về Việt Nam từ Pháp sau nhiều năm lưu lạc. Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (ảnh bên) đã có những chia sẻ về sự kiện này và câu chuyện làm thế nào để đưa các cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị “chảy máu” ra nước ngoài về nước.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Sẽ xây dựng danh mục cổ vật “chảy máu” ra nước ngoài và có phương án hồi hương

Xin bà cho biết hành trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” diễn ra như thế nào?

Ngày 19/10/2022, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước. Xác định giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng phương án “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, xin ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với Hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.

Xác định giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa, đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã trực tiếp làm việc tại Paris, Pháp để đánh giá tính xác thực pháp lý liên quan đến ấn vàng và khảo sát trực tiếp chiếc ấn vàng để xác định tính xác thực là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Kết quả cụ thể như sau: Về hồ sơ pháp lý của ấn vàng: Đoàn đã xác định được hồ sơ pháp lý liên quan đến ấn vàng đã đầy đủ. Các tài liệu minh chứng bảo đảm tính pháp lý sẽ được Hãng Millon cam kết sẽ cung cấp đầy đủ cho Việt Nam trước khi các văn bản thỏa thuận chuyển giao ấn vàng được ký kết.

Về tính xác thực của ấn vàng:Đoàn công tác đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang lưu giữ tại văn phòng Hãng đấu giá Millon (số 19 rue de la Grange-Bateliere Paris, Pháp). Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể xác định ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang được rao bán tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Chúng ta tập hợp tất cả hồ sơ pháp lý liên quan, chứng minh nguồn gốc của ấn vàng thuộc về Nhà nước Việt Nam. Cuối cùng đạt được kết quả không phải thông qua đấu giá để hồi hương cổ vật mà thông qua thương lượng và thỏa thuận.

Chiều 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được chuyển giao thành công cho Việt Nam. Đây là kết quả sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý để có thể đưa ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai nước.

Thưa bà, hành trình đưa “châu về Hợp phố” đầy gian nan, nhưng vì sao Cục Di sản Văn hóa quyết tâm “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”?

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916-1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Vì thế, bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam, chuyển giao từ chế độ quân chủ sang Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Sẽ xây dựng danh mục cổ vật “chảy máu” ra nước ngoài và có phương án hồi hương ảnh 1

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Xin bà cho biết Việt Nam còn nhiều cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài không?

Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, tiếp đó là những nỗ lực xây dựng đất nước, phát triển kinh tế vươn mình từ một quốc gia nghèo đói sau chiến tranh thành một nước đang phát triển với sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận. Do vậy, trong thời gian sau chiến tranh, việc thông tin hồi hương cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam chưa thật sự được ghi nhận, quan tâm.

Cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam hiện đang được lưu giữ ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới hoặc trong nhiều sưu tập tư nhân ở nhiều nước. Trong những năm qua, các học giả quốc tế, các chuyên gia bảo tàng cũng nhiều lần cung cấp danh mục những cổ vật có thể có nguồn gốc từ Việt Nam cho các cơ quan chức năng. Việc hồi hương cổ vật có nguồn gốc Việt Nam lưu lạc tại nước ngoài hiện có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Từ sự thông hiểu luật pháp giữa Việt Nam và quốc gia có cổ vật hiện đang lưu lạc, cam kết quốc tế, công ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, đến kinh phí phục vụ việc thương thảo, đàm phán, đền bù... để có thể chuyển giao, hồi hương cổ vật một cách hợp pháp và hạn chế các tranh chấp pháp lý kéo dài, có thể ảnh hưởng quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước.

Trong định hướng kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia hồi hương cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích.

Ngoài con đường chính thống như ngoại giao văn hóa và Nhà nước bỏ ngân sách ra mua lại, có con đường nào khác để hồi hương các cổ vật, bảo vật, văn hóa bị thất lạc không?

Trên thực tế, chúng tađã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam về nước theo 3 hình thức: Cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (như chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninhnăm 1978); cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022); Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022).

Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa từ năm 2005. Tuy nhiên, Việt Nam đã ý thức xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban Thư ký Công ước 1970 của UNESCO về danh mục này. Sau đó, xây dựng phương án từng bước hồi hương cổ vật, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Hồi hương cổ vật lưu lạc ở nước ngoài trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữvà phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa-một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xin cảm ơn bà!