Áp lực giảm tải điều trị ung thư

Ung thư đã và đang là gánh nặng cho xã hội, khi tỷ lệ mắc mới và tử vong do căn bệnh này tiếp tục gia tăng. Bởi vậy, cùng với những nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn số ca bệnh tăng cao, việc tăng cường mạng lưới điều trị, tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm áp lực cho người bệnh là những yêu cầu đang đặt ra ngày một bức thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Tầm soát ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội). Ảnh: Đăng Khoa
Tầm soát ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội). Ảnh: Đăng Khoa

Bác sĩ, bệnh nhân đều quá tải

Tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội), theo ghi nhận hằng ngày từ 7 giờ sáng đã có hàng dài người bệnh xếp hàng đợi tới lượt thăm khám. Ở khu vực chụp cắt lớp đến gần trưa vẫn rất đông bệnh nhân xếp hàng, người đứng người ngồi khắp sảnh chờ đợi đến lượt chụp chiếu. Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay, hiện nay các khoa, phòng bệnh viện hoạt động hết công suất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Mỗi năm, toàn hệ thống cơ sở Bệnh viện K khám và chữa bệnh cho hơn 400.000 lượt người. Theo báo cáo của bệnh viện, số lượt khám, chữa bệnh, hoạt động ngoại khoa, hóa xạ trị, cận lâm sàng năm 2023 đều tăng so năm 2022. Ông Quảng cho biết, trước đây Bệnh viện K có chín máy xạ trị, hiện chỉ còn năm máy hoạt động, bốn máy còn lại một phần hết thời hạn khấu hao, phần đã hết niên hạn sử dụng. Ngoài máy xạ trị, hiện các kỹ thuật như chụp cắt lớp, bệnh viện cũng phải chia ca, làm việc hết công suất để bảo đảm cho người bệnh. "Nhiều bệnh nhân ung thư phải chạy máy xạ trị bởi vậy để đáp ứng nhu cầu điều trị, các y bác sĩ và bệnh nhân đều phải "tăng ca", thậm chí làm việc xuyên đêm, giảm tình trạng người dân phải chờ đợi xạ trị lâu, gián đoạn phác đồ điều trị. Hiện bệnh viện đang tổ chức đấu thầu máy xạ trị để tăng cường điều trị, kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cho người bệnh trong thời gian tới", ông Quảng thông tin.

Với Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở 2 (Thủ Đức) đi vào hoạt động với quy mô 1.000 giường từ năm 2023. Bệnh viện được kỳ vọng giải quyết tình trạng quá tải hàng chục năm qua tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1, cũng như rút ngắn thời gian chờ xạ trị cho bệnh nhân. Tuy vậy, đến nay cơ sở mới này cũng đã trong tình trạng quá tải.

Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện cho biết, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4.700 - 4.800 bệnh nhân đến khám, 950 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 - 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày. Trước tình hình quá tải hiện tại, lãnh đạo bệnh viện đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải cho người bệnh. Chẳng hạn như tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 22 giờ… Thế nhưng, với bệnh nhân phải xạ trị, trung bình một bệnh nhân phải chờ bốn đến sáu tuần mới đến lượt.

Còn theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện số bệnh nhân mắc bệnh ung thư đến điều trị tại trung tâm trong tình trạng quá tải. Trung tâm có 200 giường bệnh nhưng luôn có khoảng 300 bệnh nhân điều trị nội trú và hơn 700 bệnh nhân điều trị ngoại trú mỗi ngày. Trong những bệnh nhân nhập viện điều trị, có đến 70-80% số bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến. Có những bệnh nhân từng điều trị tại các bệnh viện tỉnh, nhưng không hết bệnh đã lên tuyến trên điều trị và cũng có những bệnh nhân lên thẳng trung tâm để khám, điều trị.

Tăng cường tầm soát

Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong; tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân tỷ lệ mắc bệnh ung thư tại Việt Nam cao do nhiều yếu tố như: Dân số tăng, già hóa dân số, môi trường ô nhiễm, lối sống không lành mạnh, lạm dụng chất kích thích, thực phẩm không bảo đảm an toàn... Đáng nói, tỷ lệ mắc mới ung thư trong nước ở nhóm trung bình của thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong lại thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á do phát hiện bệnh quá trễ. Tại Việt Nam, có đến 50-80% số người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn 3 và 4. Trong khi đó, tại Nhật Bản và Hàn Quốc có tỷ lệ mắc mới ung thư cao hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp hơn do các chương trình tầm soát tại hai quốc gia này rất hiệu quả, người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Vì vậy, theo các chuyên gia, chương trình tầm soát ung thư và phát hiện bệnh sớm cần là chiến lược quyết liệt của các địa phương để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả hơn.

Cùng đó, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện điều trị căn bệnh này, theo ông Lê Tuấn Anh, cần đầu tư cho mạng lưới điều trị ung thư. Các cơ sở tuyến dưới điều trị tốt, bệnh nhân sẽ tìm đến chứ không dồn lên tuyến trên. Ngoài ra, để giảm tải cho các cơ sở tuyến trên thì các bệnh viện, trung tâm tuyến trên cũng phải gắn kết chặt chẽ với các cơ sở tuyến dưới để có một hệ thống quản lý bệnh nhân thống nhất. Khi bệnh nhân bị bệnh nặng sẽ chuyển lên tuyến trên điều trị.

Muốn vậy, cần tăng cường, mở rộng các chương trình chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật giữa các bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện tuyến dưới. Như cách làm của Bệnh viện K những năm qua là tổ chức đào tạo các phương pháp chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, siêu âm trong chẩn đoán và điều trị, đánh giá đau và sử dụng morphine cho các địa phương: Thanh Hóa, Điện Biên,... Hay Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ về chuyên môn cho Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện tỉnh Trà Vinh... khi những bệnh viện này có máy xạ trị.

Tiếp nữa, cần đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân.

Tin vui là vaccine ung thư sẽ sẵn sàng trong ba năm tới, theo khẳng định của nhà khoa học Vasily Lazarev thuộc Cơ quan Y tế-Sinh học Liên bang Nga (FMBA). Nhà khoa học Vasily Lazarev cho biết, các trở ngại còn lại chỉ là vấn đề quy định trước khi vaccine được chính thức ra mắt.