“Âm vang bất tận” của trống Taiko

NDO - Nước Nhật có những di sản văn hóa được truyền thừa qua nhiều thế hệ mà người dân vẫn lưu giữ được những nét truyền thống đặc sắc và phát triển trong xã hội hiện đại, trong đó phải kể đến trống Taiko.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội trống Taiko trên cố đô Kyoto (Nhật Bản).
Lễ hội trống Taiko trên cố đô Kyoto (Nhật Bản).

Vùng đất sản sinh trống Taiko

Ngược dòng thời gian, người ta đã tìm thấy di tích của trống Taiko tồn tại từ thời Jomon, có nghĩa là thời kỳ đồ đá mới, năm 300-409 trước Công nguyên.

Nhật Bản được gọi là vùng đất của các vị thần. Theo truyền thuyết, thuở xa xưa, làng Takanosu ở Kita-Akita trong những ngày hạn hán cùng cực chỉ còn biết trông chờ vào phép màu từ các vị thần. Người dân cầu nguyện mưa xuống bằng cách tạo ra những chiếc trống và gõ vào mặt trống để phát ra âm thanh tương tự như tiếng sấm. Theo thời gian, người dân vùng này tạo ra những chiếc trống ngày một lớn, ngay cả chiếc trống lớn nhất thế giới cũng được làm ra tại đây.

 “Âm vang bất tận” của trống Taiko ảnh 1

Giờ đây du khách mê đắm âm thanh và những màn trình diễn trống có thể đến thành phố nàyngắm nhìn chiếc trống cao 3,8 m, nặng tới 3 tấn tại Odaiko, Yakata (hay Odaiko Hall). Nơi đây không chỉ sở hữu chiếc trống Taiko lớn nhất thế giới mà còn có bảo tàng trống cũng như nhiều loại nhạc cụ đặc trưng của hơn 40 quốc gia được trưng bày, giới thiệu. Du khách thậm chí có thể được phép chơi một số loại nhạc cụ tại bảo tàng. Bảo tàng còn có một nhà hát - nơi có những màn trình diễn âm thanh được đánh giá là nguyên bản, cổ kính nhất của trống Taiko. Trống Taiko được sản xuất lần đầu tiên ở thành phố Takanosu và thành phố này vẫn giữ gìn truyền thống trống cho đến ngày nay.

Từ đời sống dân dã ở làng cổ Takanosu, trống Taiko sau này hiện diện tại các sự kiện quan trọng của Hoàng gia Nhật, tại các đền đài, chùa chiền như một thứ nhạc cụ thiêng liêng. Một thời, trống Taiko được gõ theo nhịp bước hành quân ra trận, bởi thế nhịp phách mạnh mẽ, dứt khoát và đầy nội lực. Tiếng trống Taiko từng hừng hực khắp chiến trường cổ vũ nhuệ khí, tinh thần chiến đấu của tướng sĩ, uy hiếp đối phương trong mọi cuộc chiến... Người dân Nhật tin tưởng và luôn biết ơn mỗi vị thần ẩn sâu bên trong mỗi chiếc trống được tạo ra và có đời sống riêng của nó.

Nghệ thuật trình diễn đặc sắc

Tiếng Nhật có từTaikođể chỉ chiếc trống nói chung, nhưng khi nói Wadaiko thì đó là nghệ thuật trống của người Nhật Bản. Ngày nay, người Nhật hằng năm vẫn tổ chức Lễ hội Wadaiko để cùng thưởng thức âm thanh, các trò chơi từ trống, nhảy múa, diễu hành để tôn vinh nghệ thuật trống.

Người ta thường nói rằng, tiếng trống chính là tiếng đập của trái tim người chơi trống. Mỗi nghệ sĩ trình diễn trống có một cách chơi, một sự truyền tải thông điệp, năng lượng, nhiệt huyết riêng từ người nghệ sĩ đến khán giả. Vì vậy, dù cùng một chiếc trống, mỗi người đánh sẽ mang mầu sắc và giai điệu khác biệt, người nghe sành sỏi có thể phân biệt âm thanh của từng tay trống trong dàn biểu diễn.

Tháng 10 hằng năm là tháng rực rỡ nhất của Wadaiko bởi có Lễ hội trống Taiko. Sự kiện này thu hút hàng triệu người hâm mộ tập trung tới vùng Niihama của đảo Shikoku để thỏa sức chiêm ngưỡng hàng trăm nhóm trống Wadaiko từ mọi miền đất nước xứ Phù Tang hội tụ tranh tài, trong đó có những nhóm trống nổi tiếng trên toàn thế giới.

 “Âm vang bất tận” của trống Taiko ảnh 2

Đoàn trống Drum Tao được thành lập vào năm 1993, với ước mơ tạo ra buổi biểu diễn hay nhất bằng trống Taiko với nhiều cách biểu đạt độc đáo. Khởi nguồn tại Oita, Nhật Bản, các nghệ sĩ luôn luôn tìm tòi và sáng tác âm nhạc, dàn dựng sân khấu, thiết kế trang phục để tạo ra một thế giới riêng của họ. Nhiều nghệ sĩ, nhạc công và vũ công tài năng từ khắp đất nước đã đến tham gia đoàn diễn nghệ thuật này. Drum Tao mang đến cho khán giả những màn biểu diễn vô cùng ấn tượng, nhờ sự kết hợp giữa âm thanh của trống Taiko, kỹ năng trình diễn vũ đạo điêu luyện, mạnh mẽ, cùng nghệ thuật ánh sáng tác động mạnh mẽ vào thị giác. Nhờ sự hiện diện của Đoàn trống Drum Tao, Wadaiko được nâng tầm ảnh hưởng và có mặt ở các trung tâm văn hóa lớn trên thế giới. Đến nay Đoàn trống đã đi lưu diễn ở 500 thành phố trên khắp thế giới và thu hút hàng chục triệu lượt khán giả tham dự.

Một đoàn trống lớn lừng danh khác có tên The Tao Mugenkyo. Mugenkyo tiếng Nhật có nghĩa là âm vang bất tận, thể hiện niềm tin của những người nghệ sĩ trong mỗi buổi biểu diễn, rằng Taiko không có giới hạn, âm vang của Taiko lan rộng khắp thế giới bất chấp những ranh giới về âm nhạc hay địa lý. Nhóm Mugenkyo muốn phát triển trống Taiko như một nghệ thuật biểu diễn đương đại ở châu Âu, cả ở dạng thuần túy nguyên bản và trong sự hợp tác với các nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật khác. Những chương trình biểu diễn của nhóm hướng đến đối tượng đa dạng, không kể mầu da, không kể sắc tộc nào. Những buổi biểu diễn quy mô vừa và lớn của nhóm ở các sân khấu có sức chứa từ vài trăm đến hàng nghìn chỗ, đều để lại ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ, dường như người xem có thể chạm đến được nguồn năng lượng vô hạn của trống Nhật Bản.

Trans-Taiko Beat là dự án kinh doanh mới nhất của nhóm Mugenkyo, được đánh giá là vượt lên ranh giới về văn hóa, đưa khán giả đến không gian và thời gian khác. Hiện tại, Mugenkyo hợp tác với Dàn nhạc Jazz quốc gia Scotland để biểu diễn tại các lễ hội nhạc jazz trên khắp Vương quốc Anh. Như trong lễ hội Taiko Drumfest, nhóm có buổi biểu diễn ngoạn mục với hơn 30 tay trống trên sân khấu. Tùy theo tính chất, quy mô của sự kiện văn hóa, nhóm sẽ dàn dựng, lên chương trình biểu diễn phù hợp. Các buổi biểu diễn diễn ra vào buổi sáng thường dành cho lớp trẻ, chủ yếu là sinh viên, Mugenkyo đưa ra sản phẩm văn hóa khá cuốn hút, trẻ trung có nhan đề “Đây là Taiko!”.

 “Âm vang bất tận” của trống Taiko ảnh 3
Du khách thích thú khi được thưởng lãm và trải nghiệm màn đánh trống Taiko.

Với hơn 1.000 buổi biểu diễn trên khắp Vương quốc Anh, Nhật Bản và châu Âu trong thập niên qua, nhóm Mugenkyo khẳng định được đẳng cấp của mình bằng sự chuyên nghiệp và chất lượng nghệ thuật đỉnh cao. Mugenkyo giới thiệu Taiko như một môn nghệ thuật biểu diễn sân khấu hiện đại, với vũ đạo, ánh sáng ấn tượng và nhiều loại trang phục khác nhau, từ trang phục công nghiệp hậu tận thế đến trang phục lụa trần lộng lẫy. Những buổi trình diễn biến hóa liên tục với nhịp điệu mạnh mẽ trên một loạt các nhạc cụ từ trống cầm tay nhỏ nhắn cho đến âm vang như sấm của chiếc trống Odaiko khổng lồ, tiếng sáo tre tinh tế, tiếng đàn Shamisen độc đáo, kết hợp với giọng hát của nghệ sĩ tạo nên đa tầng thanh âm ... Mugenkyo đã tạo ra một con đường âm nhạc mới với sự sáng tạo vô hạn bằng cách kết hợp một nghệ thuật truyền thống cổ điển với đương đại trên bình diện quốc tế, thật sự xứng đáng với tên gọi “âm vang bất tận” của nhóm.

Nếu bạn là người yêu thích văn hóa Nhật Bản, nếu bạn hy vọng nhận được năng lượng mạnh mẽ tích cực, nếu bạn muốn có những khoảnh khắc được trải nghiệm sự thăng hoa đẹp đẽ của nghệ thuật, hãy một lần thưởng lãm màn biểu diễn trống Taiko của các nghệ sĩ ở đất nước mặt trời mọc để cảm nhận dư âm lâng lâng hạnh phúc còn mãi ngay cả khi màn diễn đã khép lại.