Yêu thương không lời

Em gái kể, hôm tôi ở phòng sinh, chồng tôi ngồi chờ mấy tiếng không thấy điện thoại bệnh viện gọi.
0:00 / 0:00
0:00

Anh vừa bước ra mua chai nước thì điện thoại reo. Nghe nói được lên xem mặt con, anh mừng quá chạy vội chạy vàng, lớ quớ sao rớt cả dép. Thấy thương! Sau này anh kể, hôm lần đầu nhìn con, phải đến khi cô y tá ẵm con vào phòng nhi rồi, anh mới thấy hai chân mình chạm đất.

Chồng của bạn thân tôi, vợ sinh đứa con thứ ba, vừa thấy mặt con mấy tiếng, bác sĩ bệnh viện tỉnh khám nghi ngờ con bị bệnh lạ và nguy hiểm, phải đưa ngay lên bệnh viện tuyến đầu thành phố để kiểm tra. Khoảnh khắc người cha to lớn ôm đứa trẻ sơ sinh nhỏ xíu vòng qua các khu xét nghiệm, siêu âm, đo điện não trong một buổi chiều, dưới con đường rộng với những hàng cây từ phòng cấp cứu đến các phòng chức năng, tôi nhớ mãi. Khoảng đường ấy khá xa mà trời lại ập mưa đến bất ngờ, gió thổi mạnh. Tôi theo sau, lúng túng mở cái giỏ đồ sơ sinh rút đại cái khăn to đưa anh. Trong lúc đó, người cha đã gồng cúi người, thân hình như mở to hơn che chắn cho đứa trẻ mới được một ngày tuổi, ánh mắt anh xa xót, rưng rưng. Sau đó là những ngày đêm anh vật vạ ngủ trên mảnh chiếu ở hành lang bệnh viện chờ bác sĩ gọi thông báo tình hình bé vào 10 giờ sáng và 3 giờ chiều mỗi ngày.

May mắn sau sáu tháng điều trị, con anh đã khỏi bệnh hẳn. Mỗi dịp xuống nhà bạn chơi, nhìn người cha ấy trò chuyện, cưng nựng con. Mọi yêu thương như được anh dành nhiều hơn cho đứa con gái nhỏ ấy. Tôi hiểu, có những yêu thương của người cha không thể chia sớt công bằng cho tất thảy những đứa con của mình được, khi họ đã đi qua biến cố cùng đứa bé bỏng, thiệt thòi nhất từ thuở lọt lòng.

Mấy năm làm ở trường mẫu giáo, tôi hay đứng ở sân trường giờ đón và trả trẻ, lén nhìn những tình cảm cha con. Tôi phải lòng khoảnh khắc một ông bố trung niên hai tay bế hai đứa con trai sinh đôi vào tận cửa lớp trao cô giáo. Hai đứa con cũng ôm chặt lấy cổ cha. Trước khi buông tay con cho cô, người cha chậm rãi hôn thật sâu vào má từng đứa một. Như thế giới chung quanh không có ai khác ngoài cha con họ. Chiều đến đón, người cha kiên nhẫn nán lại chờ hai con chơi ở sân trường cho đến khi tối hẳn. Cặp song sinh ấy thì vui trông thấy vì mỗi tháng hai cậu chỉ được cha chiều chuộng, đưa đón có mấy ngày cha được nghỉ phép về nhà thôi.

Tình thương của những người cha, lặng lẽ và ít nói. Đôi khi bị bao bọc bởi những lạnh lùng, cứng rắn của đàn ông nên càng khó thấy. Nếu người mẹ mếu máo khóc lóc khoảnh khắc con mình đối diện với bệnh tật hiểm nguy thì người cha thường lặng im. Họ ngồi bất động, có khi đi lại làm việc như thường nhưng thật ra là để trấn an, là nghĩ suy tìm phương kế. Tôi chứng kiến những người cha bế con mình đi khắp nơi chạy chữa, sẵn sàng bán hết gia sản, cầu xin thượng đế bớt đi những năm được sống của bản thân, hoặc kể cả đổi tính mạng để con mình được khỏi bệnh. Những người cha bỏ thuốc lá, xa dần bạn nhậu dành thời gian bên những đứa con. Những người cha bận rộn ngày cuối tuần tắt điện thoại dẫn con ra ngoại thành thả diều, chạy xe đạp cùng con. Những người cha mình xăm trổ, bặm trợn, xỉn say nhưng khi đứa con trai duy nhất chạy đến bàn nhậu gọi, mắt cha lấp lánh tự hào: “Con tao đó!”.

Cha tôi đã cho tôi một phần vóc dáng và tính cách, cho những yêu thương dẫu ít khi thể hiện. Vì tôi biết, tình cảm của những người cha thường giấu ở trong tim.