Ẩm thực trên đường rong ruổi

Khi bạn bắt đầu một cuộc hành trình, đồng nghĩa với bạn sẽ không ăn cơm nhà nấu, mà là ăn món ăn ở địa phương bạn đến, câu cửa miệng khi ăn ở chốn lạ là: “Không giống như nhà nấu”.
0:00 / 0:00
0:00

Trên thực tế là ngay chính nơi bạn ở, một món ăn rất quen như phở hoặc bún bò, mỗi quán đã chế biến khác, huống chi là đến một vùng đất lạ. Đơn giản là đến đất nước khác bạn sẽ không thấy nước mắm. Loại nước mắm bạn thích như nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang lại càng không có. Nhiều hướng dẫn viên du lịch có mang theo nước mắm trong điều kiện đất nước bạn tới không cấm, để bạn khỏi nhớ quê nhà trong những ngày lang thang chốn lạ.

Thật ra, dẫu bạn có bắt gặp những nhà hàng Việt ở xứ người trong cuộc hành trình, bạn sẽ không cảm thấy món ngon như bạn ăn ở quê nhà. Những nguyên nhân có thể kể là nguồn nguyên liệu, đến tính cách ẩm thực làm sao cho phù hợp với chính người địa phương nơi đó. Khi đến Đài Trung - Đài Loan (Trung Quốc), nơi toàn quán Việt, chúng tôi gọi món gà xào sả ớt, món dọn ra hoàn toàn khác biệt cách chế biến ở Việt Nam: Dùng xì dầu, nên món ăn đen và chẳng có rau ráng gì. Ở Đài Loan nổi danh món trà sữa và món đậu hũ thúi mầu trắng, ngược lại đậu hũ thúi bên đại lục có mầu đen.

Vài câu chuyện ăn uống từ những chuyến đi. Đất nước gần nhất và dễ dàng đi đến chính là Campuchia. Do Campuchia thông thương với Việt Nam thường xuyên bằng ô-tô, nguyên liệu từ Việt Nam qua dễ dàng, cho nên cách chế biến, ăn uống ở đây rất quen với người Việt. Du khách được ăn các món ăn vừa miệng, cũng có lẩu băng chuyền hay buffel với đa dạng món ăn, có khác chăng là bánh căn của họ đúc rời ra không ăn hành, hoặc các loại thịt nướng tẩm hơi ngọt, ngay cả món Kuy teav (hủ tíu) cũng gần giống Việt Nam. Bánh mì ở Campuchia bán ổ dài gấp rưỡi bánh mì Việt Nam, thường họ kẹp thịt nướng hoặc nguyên miếng chả, còn dưa chua để riêng trong một hộp nhỏ cho bạn…

Lào cũng là một đất nước có rất nhiều người Việt sinh sống, thậm chí khi đi Chợ Sáng (Morning Market) bạn gặp cả những người Việt bán bánh ngồi trước cổng chợ với các loại bánh quen thuộc ở Việt Nam như bánh cam, bánh tiêu. Tuy nhiên, món thịnh hành là Tam Maak Hung - nộm đu đủ. Tò mò tôi đến ngay chỗ làm nộm để mua và xem cách chế biến của cô chủ hàng. Ớt khô, cà đắng bỏ vào cối giã nhỏ, sau đó bỏ vào thứ mắm cá đặc sản (đây chính là hương vị của món nộm), sau đó bỏ đu đủ đã bào thành công vào trộn lên. Món nộm đu đủ này có mọi nơi ở Lào. Và gần như đến nơi nào ở Lào cũng được ăn xôi và gà quay. Xôi bỏ trong những thửng bằng tre nhỏ, mỗi người một phần chứ không ăn chung.

Ẩm thực Thailand lại có nhiều vị cay chua. Món gỏi đu đủ Thailand có tên Som Tam, cách làm khác với Lào, cũng bỏ vào cối giã, nhưng nguyên liệu chính là mắm cua (hoặc mắm ba khía), món này sau có bán nhiều ở các nhà hàng Việt nhưng giảm cay. Một món ăn khác ở Thái, mà nếu bạn bay đêm trên các chuyến bay từ Thái sẽ được ăn gọi là Pat Thái. Pat Thái na ná mì xào Việt, có tôm, có thịt gà, đậu phộng… nhưng vị cay và ngọt. Còn xôi xoài Thái thì giống như xôi trắng Việt Nam ăn kèm với xoài chín, bán cả trong siêu thị.

Chỉ là minh họa một số điểm đến trong cuộc hành trình. Chúng ta vác ba-lô lên và lên đường.