Thoáng Tuyên Quang

Từ bến xe Na Hang xuôi xuống hồ thủy điện đi ngang qua sông Gâm và sông Lô, tôi rất thích những con sông vùng Đông Bắc, Tây Bắc.
Thoáng Tuyên Quang

Con sông nào cũng là khởi nguồn của những miền phù sa, những khu dân cư phố thị, những đồng bằng và những nền văn minh… Nhưng những con sông vùng cao luôn mang một vẻ dũng mãnh rất đáng thán phục, tuôn trào một nguồn năng lượng ngồn ngộn, nước trong xanh và cho cá rất ngon. Sông cũng như đời, như con người, càng trải qua thác ghềnh thì càng được tinh lọc, càng khoáng đạt và giàu sức sống.

Xe càng chạy đến gần hồ thì trời càng quang quẻ, xa xa còn thấy vài “ray” nắng thẳng căng xuyên qua lớp mây mù. Hồ thủy điện Na Hang nổi tiếng đẹp, rộng, sâu và câu chuyện về “cơn gió quỷ” (gió hang). Gió hang ở khu vực Lâm Bình là có thật, tuy nhiên, người dân ở đây kể: mỗi năm nó chỉ xuất hiện một vài lần ở khu vực núi Phủng vào chiều tối và ban đêm. Gió đột ngột giật cấp 7, cấp 8, thậm chí cấp 9, tạo ra sóng nước cao gây lật thuyền.

Lúc bước xuống lòng chiếc thuyền máy được thuê để đi ngắm hồ Na Hang, anh em ai cũng háo hức khi nhìn thấy mâm cơm đã được bày giữa lòng thuyền. Đặc sản có cá chép hồ nướng than, tôm hồ Na Hang chiên giòn, canh măng rừng chân giò ninh, rau dớn (hay rớn/giớn gì đó, một loại rau rừng họ dương xỉ) xào rắc lạc giã rối, đặc biệt có món da trâu xào măng tươi.

Anh Cường chủ thuyền với mái tóc dày, ria cứng râu rậm làm tôi liên tưởng đến hình dung của Lỗ Tấn. 55 tuổi, lên chức ông nội được hai năm rồi nhưng làn da nâu khỏe mạnh, giọng nói sang sảng và tiếng cười vang như đủ sức đập vào vách núi làm mấy đứa “dân văn phòng” cớm nắng chúng tôi thấy mình càng yếu ớt hơn. Mời chủ thuyền vài chén, câu chuyện dần trở nên cởi mở. Thấy chúng tôi thi thoảng đứng dậy chạy ra mạn thuyền chụp hình và trầm trồ trước nước mây cây núi khoáng đạt lung linh, anh cười tươi, khoát tay hào sảng: Các chú cứ thoải mái, sông hồ núi non này là của nhà anh hết đấy. Kia, chú nhìn xem, lấy đâu ra cây nghiến cổ thụ mọc trên núi đá vôi hàng mấy trăm năm tuổi như thế? Đá vôi vốn rất ít dưỡng chất, nên gỗ nghiến hay được người dưới xuôi các chú làm thớt, còn đóng đồ dùng thì… thôi rồi, bền đẹp đến mấy đời!

Hồ Na Hang có thể hơi khác với Tràng An (Ninh Bình) dù cả hai đều được ví là “vịnh Hạ Long trên cạn”, nhưng chiều rộng, độ sâu (thời điểm này anh Cường nói nước hồ đang ròng nhất, chỗ sâu nhất gần đạt đến mức “cốt” 120 m) khiến nước hồ mang một mầu xanh đen huyền hoặc, chung quanh được bao bọc bởi rừng già, bởi núi đá vôi thác nước mây trời, cảnh quan chưa bị du lịch khai thác quá đà khiến một kẻ ham dài rộng mênh mông hùng vĩ trập trùng gầm gào tiềm ẩn... như tôi thấy tò mò và thú vị biết bao nhiêu...

Tôi muốn ngửa cổ để nhìn thấy trời, thấy núi, thấy gió thổi trên đầu và mây bay qua vai. Tôi muốn được viết để diễn tả sự thán phục, niềm xúc động và sự ngưỡng mộ đối với mẹ thiên nhiên kỳ vĩ, để thấy mình may mắn đến thế nào và cảm thấy hạnh phúc ra sao sau mỗi chặng đường rong chơi cùng núi sông, hoa lá cỏ cây mây nước… dù là ngắn hay dài, trong cuộc hành trình ngắn ngủi giữa thế gian bao la rộng lớn này.