Cấp cứu

Cửa phòng cấp cứu đóng lại, một loạt áo bờ-lu xanh khuất sau cánh cửa. Người nhà không được vào. Tôi là kẻ đứng xa cửa nhất, phía trước, bác Cả cùng vợ đang níu tay nhau, cô Ba cũng níu tay chồng khóc lóc. Vợ chồng bác Thứ òa tới như một cơn lốc. Bà ngã lúc nào? Làm sao mà ngã? Có cho bà dùng sâm, dùng yến, dùng đông trùng hạ thảo chi chi đó không?
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Là vậy, nhưng không ai trong họ thấy cảnh bà nằm bất động dưới sàn, người phát hiện bà cụ ngã là tôi. Khi ấy, mợ Cả đi làm móng chưa về còn bác Cả thì mải làm gì đấy trong phòng mà tôi gọi mãi không thấy sang. Tôi chạy qua đập cửa, câu đầu tiên nghe được là “bà té thì đỡ bà dậy”, khi thấy tôi run rẩy báo cáo mới tá hỏa lên.

Vợ chồng cô Ba đương nhiên không có mặt vào lúc ấy, dù hai nhà cách nhau có trăm mét nhưng ngoài những buổi họp gia đình ra thì chẳng mấy khi thấy họ tới. Vợ chồng bác Thứ càng ít hơn nữa, nghe đâu toàn bận. Tôi chưa biết rõ về gia đình họ lắm vì vừa được thuê hồi đầu năm nay thôi và cuối năm thì hết việc. Bà cụ ở mỗi năm một nhà, luân phiên từ bác Cả sang bác Thứ sang cô Ba. Mỗi nhà có cách chăm sóc bà cụ riêng, thích mướn ai thì mướn.

Tôi đã giúp việc cho nhiều nhà nên cũng sớm thích nghi. Bà cụ không phải người trái tính trái nết, chỉ là đi lại có chút khó khăn cần người hỗ trợ, mà cần nhất là có người nói chuyện. Vắng người một lúc là bà khóc lóc hờn dỗi như con nít. Tôi được lòng bà về khoản này vì ở đây, ngoài bà ra thì chẳng nghe ai nói cũng chẳng phải nói với ai, buồn lắm, thành thử cứ nghe kể chuyện rồi hùa theo cho rôm rả kể ra cũng đỡ. Mà bà tinh lắm nhé, hôm nào tôi chỉ ậm ờ chứ không để tâm vào câu chuyện là bà biết ngay. Rồi nữa, chuyện nào bà kể đi kể lại đến mức thuộc lòng, bà chưa kể hết tôi đã vanh vách thì bà dỗi ngay, “chị biết hết thế kia tôi nói làm gì nữa” rồi vùng vằng ngúng nguẩy đòi bỏ ăn chờ tôi năn nỉ. Chăm sóc một người già như bà kể cũng vui.

Nhưng đó chỉ là chuyện của dạo trước. Mới đầu tôi được giao việc chăm bà, nói chung là làm sao cho bà vui vẻ không la làng la lửa đòi đi khỏi nhà mỗi khi có ai đến là được. Hồi tôi mới tới, đúng bữa họp gia đình thì bà nằng nặc đòi bỏ đi, căng thẳng lắm. Tôi không nghe hết chỉ nhớ đoạn cô Ba và bác Thứ hùa nhau đấu tố vợ chồng bác Cả. Gay gắt phát khiếp. Không biết chuyện kết thúc thế nào vì tôi phải dắt bà cụ về phòng, nhưng sau bữa ấy tôi chính thức được giao nhiệm vụ lấy lòng bà, miễn bà vui không làm tình làm tội là được. Quan hệ anh em họ thế nào? Tại sao chăm sóc một người già thôi mà căng thế? Tôi không rõ những chuyện này nhưng đã âm thầm hiểu áp lực của vợ chồng bác ấy nên cố gắng tận lực, đó là công việc tôi được trả công nhưng bữa nào trông bà vui vẻ hoạt bát tôi lại thấy như họ chịu ơn mình.

Rồi, đời ai học được chữ ngờ, đang lúc thấy việc nhẹ lương cao, tinh thần sảng khoái thì ông bà chủ giao thêm việc. Ban đầu, nhà có người đến dọn dẹp hằng ngày, tôi chỉ lo cho mỗi mình bà không phải động tay động chân vào giặt giũ quét tước gì thì đùng một cái người kia không đến nữa, mọi việc giao hết cho tôi. Hẳn là họ không mướn nên người ta mới không đến! Việc tới tay tôi ngày một nhiều lên, khi thì ông chủ sai khi thì bà chủ nhờ, như hôm nay, nếu không phải dọn phòng cho con gái và con rể của họ sắp về ở chơi một tháng thì giờ đó tôi chắc chắn có ở phòng bà, chắc chắn không xảy ra chuyện. Chẳng phải máu mủ ruột rà mà nhìn bà nằm trên cáng cũng thắt ruột thắt gan, mới lúc sáng thôi còn khóc khóc mếu mếu vì không thấy tôi đâu. Thiệt khổ, tôi phải đi xách đồ phụ mợ Cả, lúc về thấy bà mếu máo, giải thích thế nào cũng chẳng chịu hiểu cho. Ứ chịu. Cứ giận đấy…

*

Họ túm tụm vào nhau, tôi chỉ đứng xa xa, ruột gan lòng mề lúc này chộn rộn cả lên. Phần thì lo cho bà, cách có một cánh cửa thôi mà không biết chuyện gì đang diễn ra, linh tính chẳng lành chút nào. Phần thì lo cho vợ chồng bác Cả, không biết họ sẽ phản kháng thế nào nếu lại bị tố như lần trước. Tôi nhớ cách đây đâu tầm một tháng cô Ba có ghé nhà nhưng lặng lẽ lắm, chỉ một lát rồi đi, nom có chuyện gì rất căng thẳng. Mấy hôm sau lại thấy bác Thứ đến, hình như có cầm theo giấy tờ gì đó, vào nói chuyện trong phòng bác Cả một lúc rồi cũng về, mặt mày cũng căng. Hôm ấy bác Cả ra ngoài đến tối khuya mới về, say khướt, bước vào nhà là nồng nặc mùi bia rượu nhưng lạ là mợ không nổi cáu, không vùng vằng lồng lộn như mọi bận, họ nói với nhau vài câu, tôi nghe loáng thoáng là đã thu xếp xong việc một việc rất quan trọng, thế rồi cả hai dìu nhau về phòng. Hình như lúc nào cũng có công chuyện và phải có công chuyện thì họ mới nói chuyện. Chắc người giàu họ thế, không đùa, không xuề xòa, không câu nào nói ra là vu vơ cho vui mồm vui miệng như người nghèo quê kiểng chúng tôi. Lần duy nhất tôi thấy họ nói nhiều mà lại kém sang là bữa đấu tố nhau ấy. Tôi đoán việc đó sẽ diễn ra lần nữa, tại đây. Dường như tôi chờ đợi nó, chẳng hiểu sao tôi chờ đợi nó.

Khi mình chờ đợi điều gì như chắc chắn thì đời nó hay đi ngược lại. Kiểu vậy. Ông bác sĩ từ phòng cấp cứu đi ra nói gì đó với gia đình xong thì không thấy ai nhắc gì về bà cụ nữa. Tôi lân la lại gần định bụng là nghe ngóng xem bác sĩ nói gì nhưng chẳng có gì cả, họ đang nói về đất đai và những khoản tiền gì đấy. Ông bà giàu lắm, của chìm của nổi đếm không lại, riêng đất ở quê thôi thì ngoài căn từ đường với nương trước vườn sau rộng thênh, ông bà còn sở hữu đất rừng, không phải giỡn đâu, ít lắm cũng gần nửa quả đồi của làng.

Thì thế, nhưng chuyện đất đai thì liên quan gì đến việc bà đang trong phòng cấp cứu. Tuổi già như lá úa, chẳng phải sao? Sao họ không nói về sức khỏe của bà? Không thấy ai trách móc gì trớt, tôi thậm chí đã chuẩn bị về việc mình sẽ bị kêu rêu dù lỗi chẳng phải tại tôi nhưng tôi là người đang chăm sóc bà nên có bị hoạnh họe cũng phải lẽ thôi. Trời ạ, họ vẫn nói về đất đai, nhà cửa, về bảo hiểm và những khoản tiền, tiền gì đấy tôi không rõ, tiền trong nhà băng chăng? Họ dùng toàn từ lạ, tôi không nắm được gì cả. Thật, tôi còn chưa bao giờ tới nhà băng. Bữa mới vào giúp việc, mợ Cả hỏi có dùng thẻ tài khoản gì không để mợ chuyển tiền công cho tiện. Mợ bảo ba cái này xã hội giờ ai cũng dùng nhưng tôi lắc đầu, chỉ tổ rườm rà, tôi là tôi thích được cầm cọc tiền mặt rồi vô tiệm vàng làm cái khâu về cất. Chỉ thế là sướng. Cái sướng của kẻ ít tiền. Mợ Cả cười, hôm ấy mợ đã cười với tôi. Bây giờ thì mặt mợ đang tái mét đi, cuộc nói chuyện giữa họ đang trở nên gay gắt.

*

Một bác sĩ trong phòng cấp cứu đi ra rồi thêm hai bác sĩ khác đi vào nhưng ngoài tôi ra không ai để ý đến chuyện này. Tôi ngồi xuống băng ghế trên hành lang. Có ghế sẵn đó nhưng sáu người họ không ai ngồi cả. Họ đứng ngay bên cửa phòng cấp cứu tiếp tục nói về mấy chuyện không liên quan ấy và bây giờ không biết nghiêm trọng đến mức nào mà phải lôi luật sư vào cuộc. Mà nói thật, không biết có phải vì tình trạng nguy cấp của bà khiến họ buộc phải tranh cãi những chuyện ấy ở đây, làm tôi hóng hớt. Một ông luật sư nào đó được nêu tên, tôi đoán là người quen của họ. Cô Ba mặt nóng ran run rẩy mở cái gì đó trong điện thoại đưa cho mấy người còn lại xem, rồi ai cũng mở điện thoại lên, rồi trong thoáng chốc, người tái mét, kẻ đỏ mặt tía tai. Vợ chồng bác Cả thì tái, tái chút thôi chứ nom nét mặt vẫn bình thản như kiểu ván bài này anh đây làm chủ, không hề nao núng mà ngược lại, khoanh tay như thể thách thức. Bốn người còn lại thì đỏ. Giận lắm rồi. Giận ngay trước cửa phòng cấp cứu không còn có thể kiềm chế được nữa.

“Là chị… chị xúi thằng anh nhu nhược của tôi đúng không? Anh… Thứ quân bất hiếu. Quân lừa đảo. Đồ trời đánh, hai người dám lừa mẹ bán nó thật sao, hả? Hả?”.

Cô Ba hoàn toàn mất kiểm soát tru tréo lên rồi gục xuống tức tưởi khóc. Khóc như cha chết, mẹ chết tới nơi. Bác Thứ xông tới. Tự nhiên người tôi run rẩy, cảm giác sắp có đánh nhau. Liệu họ có đánh nhau trước cửa phòng cấp cứu, khi chưa biết người bên trong qua khỏi hay đang trút hơi thở cuối cùng? Dữ dằn điên tiết thế kia, liệu có quật cho quân lừa đảo một phát?

“Ớ… ớ…”.

Đời lại không như tôi hiểu nữa rồi, bác Thứ không kịp làm gì cả chỉ ớ ớ mấy tiếng rồi khuỵu xuống như một cái cây bị ai đó đốn ngang. Thình lình đến khó hiểu.

“Cứu, trời ơi… có ai không cứu nhà tôi với”, mợ Thứ lao tới đỡ lấy người chồng trong tay, người phụ nữ sang trọng với thân hình phì nhiêu ấy òa khóc dữ dội, vừa khóc vừa gầm như con thú khi bị dồn vào đường cùng.

Bệnh tim tái phát. Giữa lúc hoảng loạn tôi nghe loáng thoáng có ai đó nói ra mấy câu này. Ngay ngưỡng cửa ấy, một chiếc cáng khác đẩy bác Thứ sang khoa tim mạch. Tôi ngây người rúm ró trên chiếc ghế giữa hành lang bệnh viện, không biết rút cuộc ở đây điều gì thật sự cần phải cấp cứu.

Là tính mạng hay lòng người?

Nhưng tôi không kịp nghĩ vì cánh cửa đã mở ra rồi.