Ở ngã tư Thương Mến

Chỗ đèn xanh, đèn đỏ ấy người ta gọi là ngã tư đau khổ. Chỗ ấy rẽ trái ra bệnh viện nhi, rẽ phải ra bệnh viện lớn nhất tỉnh, đâm thẳng ra bệnh viện phụ sản. Toàn bệnh viện thì đau khổ là phải rồi!
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Đi ngang ngã tư, mọi người hay bịt mũi vì mịt mù bụi, ớn lạnh bởi những chiếc xe cứu thương chạy nhanh cứ hú còi đêm ngày. Ngã tư đau khổ hay kẹt xe bởi xe đò cứ dừng thả khách xuống liên tục, toàn là người dưới quê lên khám bệnh.

Một bữa, ngay ngã tư đau khổ mọc ra một cái tiệm sửa xe máy đề tên “Thương Mến”. Ông Năm bán cà-phê sát bên trề môi, cái biển hiệu sửa xe máy mà sến rện, sến hơn cả tên quán cà-phê Giọt Nhớ của ông nữa. Hiếu vừa gãi đầu cười đưa tay sửa sửa tờ giấy cạc tông ghi nguệch ngoạc “chỉ đường, bơm se, se ôm miễn phí cho bịnh nhân nghèo” treo trên cột đèn. Ông Năm lại cười, “xe” chứ không phải “se” nghe mi. Hiếu nhe răng cười hề hề, dạ tại con mới học hết lớp bốn à chú Năm, để chiều con sửa lại cho đúng chánh tả!

Gã trai trẻ măng, chỉ mới ba mươi. Người ngợm lấm lem dầu mỡ mà miệng lúc nào cũng huýt sáo. Cái tiệm sửa xe nhỏ xíu có thêm hai người đàn ông nữa lúc nào cũng lúi húi bên mấy chiếc xe máy cũ xì. Cũ cũng phải, bởi dân đi xe tay ga, xe xịn hiếm khi ghé tiệm Thương Mến, còn lại chỉ toàn dân xe ôm, chở hàng. Ban đầu Hiếu ngồi ngáp ruồi vì chẳng có khách nhưng sau người ta đồn nhau cái tiệm nhỏ xíu ấy sửa xe ngon ơ mà giá rẻ nên khách kéo đến nhiều. Trưa nắng chang chang, ba gã đàn ông ngồi nhai cơm hộp ngó ra lớp bụi mù ngoài ngã tư đau khổ. Hai người đàn ông cùng quê với Hiếu, làm ruộng cực quá nên Hiếu rủ lên sửa xe cùng. Phố mùa này chẳng có mưa, đến người cũng héo khô huống chi cây cỏ.

*

Một bữa, Hiếu đang vá cái lốp xe thì một chiếc xe đò dừng lại. Từ trên xe, một người đàn bà lóng ngóng tay xách nách mang bế theo đứa con nhỏ bước xuống xe đò. Chân chị vừa chạm đất, chiếc xe đã vội vã lao nhanh để lại những vệt bụi mờ mịt. Chị nheo nheo mắt nhìn tên đường, nhìn ngã tư lộn xộn, nhìn mấy cái đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy. Rồi như bất lực vì chẳng biết đi hướng nào, chị bế đứa bé lại gần Hiếu hỏi đường đến Bệnh viện Nhi. Hiếu ngừng tay bảo: “Bệnh viện Nhi hả chị. Rẽ trái là tới, có ba cây số hà”.

Cái túi xách cũ mèm như trì đôi vai chị xuống, chị hỏi gần đây có xe ôm gì không, chị dưới quê mới lên chẳng biết đường sá chi cả mà xe đò thì không chạy ngang bệnh viện. Nghe vậy, Hiếu thọc đôi tay cáu bẩn xuống thau nước bên cạnh rửa qua quýt rồi chùi chùi lên cái quần vằn vện: “Để em chở chị đi, cho lẹ. Giờ tới là kịp khám ca chiều đó”. Người đàn bà chưa kịp trả lời, Hiếu đã dắt chiếc Dream cũ ra, tra chìa khóa rồi bảo chị ngồi lên xe. Chiếc xe không chịu nổ máy, Hiếu co giò đạp mấy phát rồi nó cũng bành bạch nổ. Hiếu ngoác miệng cười như người có lỗi, lấy cái túi xách của chị để đằng trước rồi rồ ga đi.

Đứa bé dặt dẹo trên tay chị cựa quậy liên hồi, khó khăn lắm chị mới giữ nó ngồi yên. Chị nói con bé bị hen suyễn nặng từ lúc lọt lòng đến bây giờ. Tội nó lắm, cứ thở cà hước như con cá bị mắc cạn rồi nôn trớ, viêm phổi, sốt lên sốt xuống. Một tháng ở bệnh viện hết hai mươi ngày. Bình thường chị đi bệnh viện dưới huyện, mãi chẳng đỡ nên mượn tạm ít tiền lên tuyến trên khám, biết đâu gặp thầy gặp thuốc con bé ăn được, ngủ được. Thiệt, giờ con bé ăn ngon, ngủ yên là chị chẳng còn mong chi nữa!

Tiếng chị thở dài trong xao xác nắng trưa. Cái kiểu bất lực khi người thân bệnh nặng như thế này Hiếu nghe quen quá. Bao nhiêu người ngồi sau lưng trên xe Hiếu đã thở dài như thế. Và cả Hiếu nữa, cũng từng rơi nước mắt khi bệnh má tưởng chẳng qua khỏi.

*

Năm hai mươi tuổi, Hiếu cạo đầu cầu cho má hết bệnh. Nhà chỉ có hai má con mà má cứ như ngọn đèn dầu trước gió. Có những đêm, Hiếu giật mình thon thót giở mùng xem má còn thở hay không. Những viên thuốc bên trạm y tế chẳng còn tác dụng, Hiếu đi cắt thuốc bắc, thuốc nam cho má uống mà chẳng khá hơn. Bà Bảy nói bệnh má phải lên bệnh viện lớn, dưới này không ăn thua. Hiếu bán con bò, vay mượn bà con chòm xóm thêm chút đỉnh ra bắt xe đò đưa má lên bệnh viện tỉnh. Cái xứ heo hút của Hiếu lên tỉnh sao mà khó quá! Chiếc xe duy nhất từ chỗ Hiếu lên tỉnh cứ kêu lên lọc cọc, cửa sổ rung lên bần bật tưởng như sắp rơi xuống đất mỗi bận đi ngang ổ gà.

Chiếc xe dừng ngay ngã tư đau khổ. Hiếu dìu má xuống xe đò, ngơ ngác nhìn phố phường xa lạ. Đi đường má mệt, nên ngồi bệt xuống vỉa hè. Hiếu lấy nước cho má uống, định bụng chạy đi hỏi xe ôm thì má bật ngửa, ngất xỉu, chai nước đổ tung tóe. Hiếu hốt hoảng, gào khóc, luống cuống gọi mọi người giúp đỡ. Một bác xe ôm già bên kia đường đang gà gật chợt giật mình khi nghe tiếng Hiếu khóc, bác chạy qua xem có chuyện gì. Rồi nhanh như cắt, bác lội ngược lại đá chống chiếc xe máy dắt qua. Hiếu bế xốc má lên xe, bác xe ôm chạy vù đến bệnh viện. Người bác ốm nhom, tay lái có lúc run run, loạng choạng giữa dòng xe cộ. Lưng áo bác ướt đầm mồ hôi, bảo Hiếu giữ má cho vững. Tới cổng, bác hô to “Cấp cứu, cấp cứu” với bảo vệ rồi chạy thẳng xe vào khu cấp cứu. Hiếu bế má chạy xồng xộc vào, nước mắt chảy ròng ròng. Chưa bao giờ Hiếu thấy sợ hãi đến như thế. Chưa bao giờ thấy chuyện má xa mình gần đến như thế!

Cục đá trong lòng Hiếu được đẩy qua một bên khi bác sĩ nói má không sao, chỉ ngất xỉu do đuối sức. Lúc này Hiếu mới sực nhớ tới bác xe ôm già. Hiếu ra cổng, thấy bác vẫn đứng đó với túi đồ của má con Hiếu trên tay. Khi biết má Hiếu không sao bác thở phào, vỗ vỗ vào vai Hiếu bảo vậy tốt rồi, ráng chăm má bởi trên đời này đâu phải ai cũng còn có má để chăm. Hiếu lục túi, lấy tờ tiền nhét vào tay bác nhưng bác đẩy lại. Đưa túi đồ cho Hiếu rồi bác vội vã lái xe rời đi.

May mắn làm sao đợt đó bác sĩ tìm được ra bệnh của má. Má khỏe dần, có da có thịt, nụ cười đã trở lại trên gương mặt hom hem. Nhìn má ăn hết tô cháo mà lòng Hiếu thầm cảm ơn trời phật. Bữa xuất viện, Hiếu lội ngược ra ngã tư tìm bác xe ôm cảm ơn. Bác cười rung rinh, khoe hàm răng chỉ còn vài chiếc. Ơn nghĩa chi đâu! Người với người chẳng lẽ làm ngơ khi thấy người ta hoạn nạn.

Bữa đó Hiếu ngồi với bác ở quán cà-phê cóc, đợi chuyến xe chiều quay ngược về quê. Bác nói đời người có mấy khúc quanh thiệt khổ đau nhưng lạ là cứ càng khổ đau con người ta lại càng nương vào nhau để cùng đứng dậy. Hồi bác gái nằm viện, mới vào nằm chút xíu đã có người trong phòng tới hỏi thăm. Người xuất viện hôm đó đưa cho bác chiếc chiếu, bảo tối trải ra đất nằm đỡ phải mua. Người đưa cho cái ly, chỉ bác khát nước ra cái vòi nóng lạnh ngoài kia. Nằm viện đủ thứ chi phí, tiết kiệm được cái chi thì tiết kiệm. Có cô gái đi chăm mẹ ốm, hễ nấu cháo là nấu nhiều một chút, tới bữa xớt cho vợ bác một tô bảo ăn cho có sức.

Bác nhìn ra nắng xơ rơ ngoài kia bảo bác gái nằm viện mấy tháng, tiền trong túi cạn có lúc phải để bác gái nằm một mình ra đường chạy kiếm tiền trang trải. Nhiều người trong phòng cứ nói bác đi đi, chuyện gì giúp được họ sẽ giúp, chuyện gì lớn sẽ gọi bác tới liền. Nhà chỉ có hai vợ chồng, chẳng con cái, chẳng họ hàng, may nhờ tình thương của người dưng mà vượt qua được.

*

Vài năm sau ngày má nằm viện, ngay ngã tư đau khổ ấy dựng cái tiệm sửa xe đề tên Thương Mến. Hiếu đi học sửa xe máy dưới quê, đi làm mấy năm gom góp được ít vốn. Khi Hiếu nói với má lên chỗ ngã tư đau khổ mở một cái tiệm sửa xe vừa để kiếm ăn, vừa trả nghĩa đời má gật đầu liền. Má bán luôn mảnh vườn vốn dĩ định để lại cho Hiếu mai mốt trồng cây ăn trái để thêm ít vốn. Nay má khỏe nhiều, Hiếu thỉnh thoảng bắt xe về thăm má, có khi má thủng thẳng ngồi xe đò lên thăm con, mang theo bao nhiêu là bánh trái.

Ông Năm đã tài trợ một tấm biển rất xịn cho chủ tiệm Thương Mến treo trên cột đèn: “Chỉ đường, sửa xe, xe ôm miễn phí cho bệnh nhân nghèo”. Ông cười hà hà, đúng chính tả nghe Hiếu! Mỗi bận thấy ai lóng ngóng bước xuống xe đò, tìm đường tới bệnh viện là ông lật đật chạy ra chỉ. Có khi thấy người ta mệt quá, ông bảo ngồi nghỉ ở quán ông cho khỏe hẳn đi, không quên pha cho họ ly sữa nóng. Người ta cảm ơn rối rít, ông xua tay, ngó thằng Hiếu kìa, tui làm có xíu xiu có gì đáng để ơn với nghĩa! Ông Năm nói, lạ thiệt, hồi trước giờ có bao giờ để ý đến chuyện người ta khổ đau, mệt nhọc ra sao. Tự dưng thấy thằng Hiếu lăng xăng chở người ta đi bệnh viện mình cũng muốn làm theo nó.

Lâu rồi người ta quên mất ngã tư ấy có tên đau khổ. Ngã tư Thương Mến đã trở thành cái tên thay thế từ lâu lắc rồi. Khi xe đò dừng lại, anh lơ sẽ hô to: “Ngã tư Thương Mến đây… bà con ai khám bịnh xuống nha!”.