Xu thế hòa dịu

Sự hòa hoãn giữa những nước đối địch cũng như nhu cầu đoàn kết để giải quyết các cuộc khủng hoảng chung là xu thế chủ đạo trong dòng chảy các sự kiện quốc tế tuần qua, nhằm giải quyết bất đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên họp của Hạ viện Argentina về thỏa thuận tái cơ cấu nợ giữa nước này và IMF.
Một phiên họp của Hạ viện Argentina về thỏa thuận tái cơ cấu nợ giữa nước này và IMF.

1 Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ về vấn đề trao đổi tù nhân liên quan tới hai công dân Mỹ là Brittney Griner và Paul Whelan đang thụ án tù tại Nga. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow không thực hiện tiếp xúc cần thiết với các nhà ngoại giao Nga để cung cấp cho lãnh đạo Mỹ thông tin xác thực về vấn đề liên quan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán để quyết định số phận của các công dân Mỹ bị kết án ở Nga và ngược lại. Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi một báo cáo của CNN, trích dẫn lời vợ của Griner, cho rằng thân nhân của những người Mỹ bị kết án ở LB Nga không thể nhận được lời giải thích rõ ràng từ chính quyền Mỹ về yêu cầu trao đổi tù nhân của Nga. Trước đó, Moscow để ngỏ khả năng về một cuộc trao đổi với Washington giữa các tù nhân là hai công dân Mỹ nói trên và Viktor Bout, một nhà xuất khẩu vũ khí Nga đang thụ án tù tại Mỹ. Trao đổi tù nhân là một trong những chủ đề của cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước vừa qua.

2 Chính phủ Argentina và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được đồng thuận trong kế hoạch tái cơ cấu nợ. Dự kiến trong những tuần tới, Ban điều hành IMF sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định cuối cùng và Argentina có thể nhận được khoản vay trị giá 3,9 tỷ USD.

Theo đánh giá của IMF, các chính sách kinh tế mang tính quyết định mà Chính phủ Argentina áp dụng trong thời gian qua đang giúp khôi phục niềm tin và củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đã trải qua tình trạng mất cân đối tài chính và tiền tệ nghiêm trọng trong hơn bốn năm qua. Tại phiên rà soát thứ hai liên quan tới thỏa thuận tái cơ cấu nợ, các chuyên gia của IMF và phía Argentina nhất trí: Các mục tiêu được thiết lập trong quá trình phê duyệt thỏa thuận sẽ không thay đổi cho đến năm 2023, bao gồm cả mức thâm hụt tài khóa 2,5% GDP và dự trữ ngoại tệ ròng 5,8 tỷ USD năm 2022. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Argentina là 4% trong năm nay và lạm phát dự báo sẽ "hạ nhiệt" từ nay đến cuối năm 2023.

3 Pháp khẳng định tình đoàn kết với các nước láng giềng trong cuộc khủng hoảng năng lượng, và bác bỏ thông tin Tập đoàn năng lượng nhà nước EDF cảnh báo ngừng xuất khẩu điện sang Italy. Trước đó, tờ La Republica của Italy đưa tin Rome đã nhận được thông báo bằng văn bản từ EDF, về việc ngừng xuất khẩu điện trong hai năm, như một phần trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng của Pháp.

Tuy nhiên, Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp phủ nhận thông tin trên và tái khẳng định cam kết đoàn kết, đôi bên cùng có lợi, về điện và khí đốt với tất cả các nước láng giềng châu Âu. Trong nhiều năm qua, Pháp đã giúp củng cố nguồn cung điện của Lục địa Già, khi cung cấp khoảng 15% tổng sản lượng điện của nước này. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Pháp cung ứng khoảng 5% lượng điện tiêu thụ hằng năm của Italy vào năm 2019.

Xu thế hòa dịu ảnh 1
Các nước nghèo đề xuất áp thuế toàn cầu liên quan đến khí hậu.

4 Theo tờ The Guardian, một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới đề xuất áp thuế toàn cầu liên quan khí hậu, để lập quỹ bồi thường cho những nước nghèo vì những tổn thất và thiệt hại mà các nước phát triển gây ra. Đề xuất này dự kiến được đưa ra thảo luận tại Khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Theo đề xuất, quỹ nói trên có thể được huy động bằng cách áp thuế carbon toàn cầu, áp thuế đối với hoạt động hàng không cũng như nhiên liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng và thải ra nhiều khí carbon mà các tàu thủy sử dụng, tăng thuế khai thác nhiên liệu hóa thạch…

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) năm ngoái, các nước giàu đã nhất trí rằng cần có một cơ chế khắc phục những tổn thất và thiệt hại nêu trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu hóa thạch tăng cao, giá lương thực tăng và lạm phát gia tăng tại nhiều nước, nhiều khả năng các phương án huy động quỹ bù đắp cho những tổn thất và thiệt hại nói trên sẽ khó thuyết phục các quốc gia giàu có đồng ý.