Nhiều năm nay, việc xe ô-tô chở khách đón, trả hành khách dọc đường diễn ra thường xuyên ở nhiều địa phương. Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết, lượng phương tiện gia tăng, thế nhưng, xe khách các tỉnh thường chạy chậm, tạt ra tạt vào, kèm theo việc phụ xe liên tục lên xuống xe tranh giành khách, khiến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn, nhiều trường hợp xảy ra va chạm, mất an toàn giao thông.
Trước thực trạng đó, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với các mức xử phạt tăng cao, cùng với sự ra quân tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) các địa phương, tình trạng nêu trên đã giảm rõ rệt. Nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông hơn nữa, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2022, trong đó, nhiều hành vi vi phạm đối với người điều khiển xe ô-tô được tăng nặng mức phạt. Các quy định về mức xử phạt dừng xe, đỗ xe, lùi xe đều tăng, đặc biệt là hành vi dừng, đỗ xe trên cao tốc với mức phạt lên tới 12 triệu đồng.
Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến nhất vẫn là dọc tuyến quốc lộ 279. Nhiều người dân thay vì vào bến, đến vị trí được phép dừng đỗ, đón trả khách cho tuyến cố định, lại chọn đứng dưới lòng đường gửi hàng cho tiện. Chỉ trong hai ngày 16-17/4 vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp với Phòng CSGT dùng các phương tiện nghiệp vụ ghi lại hình ảnh vi phạm của 16 lượt xe khách chạy tuyến cố định để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Hà Nội, trên tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, đặc biệt là ở đầu cầu Thăng Long phía đường Phạm Văn Đồng xảy ra tình trạng nhiều xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho các phương tiện đang lưu thông. Bên cạnh đó, nhiều xe ôm, xe taxi bất chấp quy định, tụ tập lập bến cóc trên vành đai 3 trên cao để chờ khách.
Bên cạnh công tác xử lý vi phạm, thực tế cho thấy để xảy ra tình trạng dừng đỗ sai quy định cũng do nhu cầu của hành khách vì muốn thuận tiện. Thiếu tá Mạnh Tiến Trung (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) khuyến cáo: “Người dân khi đi trên xe khách không xuống hay lên xe khi xe đang chạy trên đường không phải đúng tuyến hoặc đúng bến. Chỉ xuống và lên xe ở những bến được quy định”.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, đơn vị đang triển khai thí điểm công tác xử phạt vi phạm hành chính về dừng, đỗ xe, đón trả khách sai quy định qua camera (xử phạt nguội) ở quận 5 và quận Bình Thạnh. Trong quá trình thí điểm, lực lượng thanh tra giao thông đã ghi nhận hàng trăm trường hợp vi phạm.
Trước khi có camera giám sát, công tác xử phạt hành chính về tình trạng này được triển khai kiểm tra trực tiếp, tốn nhiều thời gian và nhân lực, hơn nữa nhiều nhà xe cảnh giác nên quá trình làm việc chưa thể xử lý dứt điểm. Trong thời gian thí điểm từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng các phương tiện vận tải hành khách thường xuyên đón trả khách sai quy định đã giảm hẳn so với trước.
Mới đây, trên một diễn đàn về ô-tô chia sẻ, trong chuyến xe từ Nghệ An ra Hà Nội, một hành khách nữ khăng khăng muốn xuống khi xe còn đang lưu thông trên đường cao tốc. Khi lái xe từ chối, hành khách này đã phản ứng kịch liệt và khẳng định từ trước đến giờ chị thường xuyên bắt xe và xuống xe ở cao tốc. Thực tế, do đang đi trên khu vực không cho phép dừng đỗ, việc thả khách xuống đường cao tốc là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra các lái xe, nhà xe chở khách, cần giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quy định pháp luật về giao thông, tránh tình trạng bạ đâu đón xe đấy, xuống chỗ nào cũng được. Có cầu ắt có cung, việc tuyên truyền và xử phạt cần song song tiến hành, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay.