Mỗi khi tháng bảy về, trong âm vang của câu kinh Vu lan bồn, trong lung linh của ánh hồng lạp đêm rằm, ai đó lại rưng rưng thương nhớ đấng sinh thành khi được cài hoa hồng lên áo. Tôi cũng nghĩ đến việc tu tập xả bỏ, giữ cho tâm hồn thanh sạch trong những đêm rằm thiêng liêng. Nhưng rồi sự thất hứa với má cứ bám lấy tôi. Tôi biết má kỳ vọng ở tôi thật nhiều, má tin tôi sẽ lớn lên, sẽ vượt thoát tất cả những trở ngại, những gian nan của đời sống quanh mình, tôi sẽ có một cuộc đời không tầm thường, nhỏ nhen. Và tôi thầm hứa với má sẽ như vậy, sẽ vươn lên như con sóng trào từ nơi vũng bùn khổ nhọc trần ai. Vậy mà giờ đây, đã trượt quá nửa triền dốc rồi, tôi vẫn chỉ là một con cóc quay lưng ra ngoài, ngồi nhìn buồn bã vào cái góc tối u ám của mình. Và ngay cả với má, tôi cũng mang bao nhiêu lầm lỡ. Vậy thì tâm cảm nào, tư thế gì mà tôi dám đối mặt với đóa hồng hiếu đễ?! Sự hiếu đễ của con người cũng năm bảy đường! Có bao nhiêu người quay vào bên trong thì cũng có bấy nhiêu người thể hiện ra ngoài.
Rằm tháng bảy năm ngoái, tôi được mời dự lễ Trai tăng ở nhà một đại gia giàu có. Khi chưa tới giờ cúng, một Đại đức tranh thủ giảng giải cho các Phật tử xúm quanh: Đại Hiếu Mục Kiền Liên đắc quả A-la-hán vẫn không cứu được mẹ mình đang đọa lạc ở địa ngục, phải nhờ đến đại chúng Tăng tập trung kinh kệ, chứng trai mới giải thoát được. Có Phật tử hỏi cắc cớ: Bạch thầy, vậy mình sống thế nào cũng được miễn sao có tiền tổ chức được Trai tăng thiệt lớn, cung thỉnh các thầy thiệt đông để họp sức cầu cho siêu thoát là được hả thầy? Ông thầy “Mô Phật”, “Mô Phật” liên tục, đoạn ông cười nói: “Không ít thì nhiều, ai cũng mang tội cả, nhưng tu tập tâm tánh lúc sinh thời để giảm bớt đi vẫn tốt hơn”.
Câu trả lời của vị Đại đức quả là linh hoạt vừa ngầm ủng hộ những thiết trai cúng dường rình rang của cánh giàu có vừa không rơi vào vùng ngộ nhận tiêu cực.
Tôi ngồi ngẫm ngợi mãi câu chuyện Đại Hiếu Mục Kiền Liên, có gì đó bất ổn, vẫn biết hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật nhưng lý nào một Đại thánh tăng lại ngây ngô xuống địa ngục dâng cơm cho mẹ, cơm hóa lửa, rồi lại nhờ Phật chỉ cách cứu mẹ bất chấp cái lẽ gieo nhân gặt quả căn cốt của Đạo Phật?! Nhưng ngay lúc ấy tôi chợt nhớ câu đã học lúc còn nhỏ, cũng là đạo lý căn cốt của người Việt: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Tôi ra về mà nghĩ ngợi lung lắm về tình yêu của con cái với cha mẹ.
Chiều đó, tôi tình cờ đọc lại câu chuyện “Tình yêu của người mẹ Nhật Bản”, chuyện kể rằng: Khi trận động đất qua đi người ta tìm trong đống đổ nát và cứu sống được đứa bé ba tháng tuổi trong tấm chăn bông, bên trên là xác người phụ nữ chết trong tư thế đang ôm choàng bảo vệ cho con mình. Người mẹ ấy đã gánh lấy toàn bộ sức nặng của tòa nhà sụp xuống, đứa trẻ vẫn ngủ, một cách bình yên. Trong chăn, người ta còn tìm thấy chiếc điện thoại với dòng chữ sáng trên màn hình: “Nếu con có thể sống, con phải nhớ rằng mẹ luôn yêu con...”.
Tôi đã chìm đắm trong suy tư, trong liên tưởng khá lâu, hai giọt nước mắt lăn dài xuống má, lâu lắm rồi đôi má tôi mới ướt nước mắt như vậy, chợt tôi ngộ ra: Chẳng có cái lý, cái ngưỡng nào trong tình mẹ con vậy thì cũng chẳng có cái lý, cái ngưỡng nào cho lòng hiếu thảo, nó mênh mông và vô thanh trong lòng người.
Âm vang Vu lan chân thật và trọn vẹn bằng chính sự trong sáng nên không có sự phân biệt của quay vào hay hướng ra. Âm vang Vu lan là vô thanh tự chứng từ trái tim mình vậy! Và đêm nay, khi một mình trong yên ắng, không hồng lạp, không trăng thanh, tôi chợt thèm diễn đạt cảm xúc của mình thật nhiều bằng sự im lặng, bằng những bước đi run rẩy tràn ngập tình yêu thương trong lòng. Hình như cảnh vật chung quanh cũng đang rưng rưng cùng tôi.