Việt Phi - làng hàng binh năm xưa

Con đường nhựa uốn mềm giữa hai bên xanh ngát những vườn cỏ, mía, ngô đưa chúng tôi vào xóm 4 xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tức Nông trường Việt Phi năm xưa của những hàng binh châu Phi sau kháng chiến chống thực dân Pháp. Trưởng xóm Nguyễn Văn Hải không giấu nổi tự hào: “Làng Việt Phi bây giờ chủ yếu sống bằng nghề nuôi bò sữa, là một trong số ít làng đứng đầu Tản Lĩnh với đàn bò hơn 500 con...”.

Chiếc cổng Ma-rốc - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Phi.
Chiếc cổng Ma-rốc - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Phi.

Những năm tháng ý nghĩa trong cuộc đời

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), hàng nghìn lính chiến đấu bên cạnh lực lượng quân đội Pháp bao gồm người Ma-rốc, Tuy-ni-di, Hà Lan, Ru-ma-ni, Nam Tư... đã chạy sang quân đội Việt Nam. Họ được Đảng và quân đội ta đối xử nhân đạo. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Tập thể sản xuất Ba Vì, sau đổi thành nông trường Việt Phi nơi chân núi Ba Vì, thuộc xã Tản Lĩnh để tiếp nhận hơn 300 hàng binh, chủ yếu là người Phi chưa có điều kiện hồi hương vì đất nước họ vẫn còn là thuộc địa của Pháp. Sau này nông trường lại tuyển thêm hơn 100 công nhân Việt Nam, trong đó có một số cán bộ miền nam tập kết ra bắc và Việt kiều Thái-lan, Tân Đảo. Nông trường tiếp quản và hoạt động trên địa bàn khu đồn điền của một giáo sư người Pháp rộng khoảng 700 ha chuyên trồng cỏ, nuôi bò, trồng cà-phê. Những con người khác mầu da, ngôn ngữ cùng chung sống và lao động, đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Nông trường làm ăn trù phú, có lúc có hơn 1.000 bò sữa, bò thịt, hơn 100 ha lúa, sắn, mía cung cấp cho các nhà máy đường Vạn Điểm, Tam Hiệp...

Nhiều hàng binh đã lấy vợ Việt Nam. Trong những căn hộ nhỏ bé gần 30 m2 được xây bằng gạch, ngói, xi-măng khá vững chắc là cuộc sống của những cặp vợ chồng Việt - Phi cùng những buồn vui bình dị đời thường và tiếng khóc, cười trẻ thơ ấm áp. Mặc dù đời sống nhân dân thời kháng chiến còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước vẫn dành cho họ hưởng sinh hoạt vật chất và tinh thần khá đầy đủ. Ngoài lao động sản xuất, họ được học chính trị, văn hóa, đọc sách báo, nghe đài truyền thanh, xem phim, biểu diễn văn nghệ...; được cấp lương, hưởng tem phiếu mua phân phối theo chế độ của ta. Nông trường còn xây dựng căng-tin để đáp ứng các loại nhu yếu phẩm và bánh kẹo, rượu bia; hằng tháng cung cấp thêm thịt bò, dê, cừu để cải thiện cuộc sống; cuối tuần có xe ô-tô chở xuống thị xã Sơn Tây mua sắm... Qua thời kỳ đầu còn những dao động, về sau tâm lý hàng binh dần ổn định, họ tự giác, chủ động hòa nhập cuộc sống, sinh hoạt nơi mảnh đất này. “Những người Việt Nam mới” là cụm từ thân thương, trìu mến mọi người dành cho họ.

Ông Nghiêm Hữu Phúc, 76 tuổi, từng là cán bộ phụ trách chăn nuôi của nông trường Việt Phi năm xưa, hiện sống tại thôn Xuân Hòa gần làng Việt Phi. Tốt nghiệp Trường trung cấp Nông lâm Trung ương, năm 1961, ông được điều về và làm việc tại nông trường đến năm 1969. Kỷ niệm về cuộc sống cùng những người hàng binh còn vẹn nguyên trong ký ức. Ông nhắc đến những chuyện va chạm trong cuộc sống thường ngày của hàng binh; nhớ đến người này chểnh mảng, người kia chăm chỉ trong công việc. Cả những thói quen ngộ nghĩnh của họ như thích ăn cơm chan với sữa bò tươi hay uống trà tàu loại ba pha đường kèm lá húng bạc hà... Ông chân tình, xúc động: “Họ cũng là con người với những mặt tốt, xấu. Song thật sự có những người khiến tôi nể trọng. Năm 2000, GS, TS sử học người Pháp Delanoie có đến làm việc với tôi. Bà nói rằng tới Việt Nam bà mới hiểu được về một chính sách hàng binh nhân đạo, độc đáo duy nhất trên thế giới. Bà đã đi, đã gặp nhiều hàng binh trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, tất cả họ đều hết sức xúc động nói lên một suy nghĩ giống nhau, rằng khoảng đời tốt đẹp nhất của mình là những năm tháng sống ở Việt Nam”.

Việt Phi - làng hàng binh năm xưa ảnh 1

Ông Nghiêm Hữu Phúc và một hàng binh châu Phi bên chiếc cổng Ma-rốc.

Cổng Ma-rốc, biểu tượng của tình hữu nghị

Làng Việt Phi bây giờ còn một di tích hết sức độc đáo, cũng là chứng tích duy nhất về nông trường Việt Phi năm xưa, đó là chiếc cổng Ma-rốc, được những hàng binh xây dựng ngay trước khu nhà ở để đỡ nhớ quê hương. Cổng sao chép trung thành phong cách Ma-rốc cổ điển, có chiều cao tám thước, với vòm cổng, cột trụ và những dải phù điêu trang trí. Do cảnh quan đẹp và có ý nghĩa quốc tế nên các vị khách quý nước ngoài lúc bấy giờ thường lui tới nghỉ ngơi viết lách tại nông trường như nữ văn sĩ Pháp Madeleine Riffaud, nhà báo Ô-xtrây-li-a Wiliam Buchet, đạo diễn điện ảnh Nga Agida Ibrahim, đạo diễn điện ảnh Việt Nam Phạm Văn Khoa, Tổng Bí thư Đảng CS Ma-rốc Aliyata, cán bộ Đảng CS An-giê-ri Cherifi cũng từng lên gặp gỡ anh em ở đây. Hơn nửa thế kỷ qua, trước sự tàn phá của thời gian, qua chiến tranh bom đạn, chiếc cổng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc độc đáo của nó. Các nhà nghiên cứu quốc tế khẳng định cổng Ma-rốc chính là “dấu tích điêu khắc của tình đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân và tình hữu nghị liên lục địa”. Riêng đối với những hàng binh năm xưa, đây chính là dấu tích đầy ý nghĩa khi về thăm lại làng. Những năm qua, nhiều hàng binh gốc Phi đã đưa vợ con người Việt trở về thăm quê hương, thăm mảnh đất một thời từng neo đậu. Họ đứng bên chiếc cổng chụp ảnh kỷ niệm, bồi hồi xúc động nhớ về một khoảng đời ý nghĩa đã qua.

***

Làng Việt Phi bây giờ đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Nhà cửa, điện, đường khang trang, đầy đủ. Thu nhập từ nghề trồng cỏ, nuôi bò sữa có hộ gia đình lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hàng năm, Hội Việt - Phi Ba Vì do cụ Lê Vân, nguyên Giám đốc nông trường Việt Phi làm Chủ tịch cùng họp mặt bên cổng Ma-rốc, cùng ôn lại kỷ niệm, nhắc nhớ cho cháu con về những năm tháng đáng nhớ của mảnh đất quê hương. Trưởng xóm Nguyễn Văn Hải bộc bạch, mong muốn lớn nhất của dân làng giờ đây là xây được Nhà văn hóa riêng của xóm làm nơi sinh hoạt, hội họp, cũng để lưu giữ lại những hình ảnh, chứng tích lịch sử, truyền thống. Còn ông Nghiêm Hữu Phúc, Trưởng ban liên lạc Hội Việt - Phi thì cặm cụi với công việc sưu tầm, gìn giữ những tư liệu về nông trường với dự định viết sách lưu lại cho mai sau. Ông Phúc không giấu nổi nỗi buồn khi nhắc đến chiếc cổng Ma-rốc bây giờ đang nằm trong khuôn viên của một hộ gia đình mà Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (trong đó có Nông trường Việt Phi xưa kia được sáp nhập) nên chưa lấy lại được. Rồi băn khoăn với dự định của huyện sắp tới sẽ đổi tên làng thành Việt Long. Ông bảo tốt nhất cứ để là Việt Phi, như bao năm qua vẫn thế. Bởi cái tên đó tự thân nó đã đầy ý nghĩa, nói lên chứng tích nhân văn của dân tộc, của tình hữu nghị quốc tế thiêng liêng, cao đẹp.

Những năm 1950 - 1960, các quốc gia thuộc địa của Pháp ở châu Phi lần lượt dành được độc lập. Trong các năm 1955 - 1965, bằng con đường ngoại giao, Chính phủ ta đã đưa được bốn đợt hàng binh về nước. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc, thời kỳ này ở nông trường Việt Phi còn lại khoảng 100 hàng binh, được cấp trên chỉ đạo đưa lên Yên Bái. Đến năm 1972, họ được trao trả hết về quê hương.

Nhiều hàng binh trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, tất cả họ đều hết sức xúc động nói lên một suy nghĩ giống nhau, rằng khoảng đời tốt đẹp nhất của mình là những năm tháng sống ở Việt Nam.