Vị ngọt đồng quê

1

Thằng Thân rủ tôi đi làm ăn xa. Mẹ tôi ngăn, đừng đi, bám vào đồng đất quê nhà còn chưa khá thì sao kiếm nổi cơm ở xứ người.

0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Tôi nghĩ về cánh đồng, về những lúa khoai, về phân trâu, phân bò, về rơm rạ mục và đất ải. Thấy vị đắng ở đầu lưỡi. Tôi đã cắm mặt vào đồng đất, như bố mẹ, ông bà, tổ tiên tôi. Rồi được gì? Vẫn chỉ là nghèo khó. Khi mà ngoài kia, người ta kéo nhau ra thành phố làm thuê, lên rừng đãi cát tìm vàng, hòng gạn lọc cho mình một cơ hội đổi đời, dù là mong manh nhất thì tôi vẫn ở cái xó làng này mà kẽo kẹt quang gánh ra đồng. Không, tôi phải đi. Tôi phải trở nên giàu có. Để cho người ta chẳng thể khinh tôi được nữa. Tôi chẳng thể trách Lam. Chỉ trách chính bản thân mình.

Có mấy lần, tôi đi qua cổng nhà Lam. Ngôi nhà ba tầng to và đẹp nhất làng. Con chó béc-giê to như con bê nhe nanh gầm gừ. Lam lấy chồng thành phố rồi. Một bước lên đời, có nhà lầu, xe hơi, người đón kẻ rước. Cơ ngơi này Lam dành tặng cho bố mẹ hưởng tuổi già sau bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời.

Tôi nghĩ về những tháng ngày đã qua.

Tôi ngỏ lời yêu Lam.

Lam giơ cái nhẫn lên ngắm nghía một hồi rồi đặt lại vào tay tôi. Anh giữ lấy cái này mà làm vốn. Chứ đàn ông đàn ang gì mà…

Lam cười, nụ cười sắc như một lưỡi dao.

Rồi đứng dậy.

Cổ họng tôi nghẹn đắng. Tôi không thể gọi tên Lam.

Tôi nghĩ về những tháng ngày trước mặt.

Vậy là tôi xốc ba-lô lên đường. Tôi đi qua con đường khô cằn, đá sỏi, qua những dấu chân trâu, chân bò. Đi qua cánh đồng, mùa này rau khoai lang đang ngằn ngặt xanh. Mẹ tôi và em tôi vẫn đang vun xới trên cánh đồng. Hình như, đã lâu rồi, làng tôi chỉ còn những người đàn bà vun xới trên cánh đồng. Còn đàn ông, như những cánh chim, khắc khoải bay tới những vùng trời khác.

2

Lam về quê, tìm những đứa con gái trong làng cho lên thành phố làm việc. Nghe đâu, vợ chồng Lam mở công ty môi giới việc làm, cả trong nước và ngoài nước. Làm ăn phát đạt lắm. Bố mẹ, họ hàng, làng quê cũng được mở mày, mở mặt. Em gái tôi gọi điện, hồ hởi khoe, nhà bác Tèo hàng xóm thọt chân có đứa con gái học xong lớp 12, mới về chỗ chị Lam mấy tháng mà giờ đã xây được nhà ba tầng. Con bé Mận nhà bà Hồng đầu ngõ vừa mua ô-tô khéo đến cả tiền tỷ. Rồi còn bao nhiêu là chị Lụa, chị Cúc, chị Mơ…, những người phụ nữ từ trẻ cho tới trung tuổi, khắp làng trên xóm dưới, đã đi làm cho Lam và giờ trở nên thay da đổi thịt. Nó bảo muốn đi cùng chị Lam để thoát nghèo. Giờ ngó chung quanh chỉ còn mỗi nhà mình là nghèo thôi. Tôi không muốn nó đi. Nhà có hai anh em, tôi đã đi xa rồi... Vả lại, tôi không muốn Lam khinh tôi thêm lần nữa.

Tôi theo thằng Thân vào nam, tưởng dễ làm ăn, ai dè vẫn chẳng đâu vào đâu. Dạo đầu xin làm công nhân trong nhà máy cao-su, được vài tháng thì người ta bớt người làm, đành thất nghiệp, ăn chực nằm chờ tìm công việc mới. Rồi lại xin được chân trong xưởng cơ khí. Vài tháng dần ổn định, ngoài tiền ăn ở cũng có đồng ra đồng vào gửi về quê.Vậy mà một lần bị tai nạn trong lúc làm việc, gãy tay, lại nghỉ không làm được gì. Thế là tiền gửi về cho mẹ thì tháng được vài đồng, tháng không một cắc. Cũng trong thời gian đó, thằng Thân vướng vào vòng lao lý. Nó bị đi tù vì tội chiếm đoạt tài sản. Tự nhiên, tôi trở nên bơ vơ và lạc lõng ở quê người.

Trong suốt thời gian ấy, tôi không về thăm mẹ, thỉnh thoảng chỉ nghe giọng mẹ qua điện thoại, run run. Chừng nào tôi về, mẹ luôn hỏi tôi điều đó. Tôi ậm ừ, chẳng dám nói nhiều, chỉ biết lần khất cho qua ngày đoạn tháng. Tôi nằm bẹp trong góc nhà trọ tồi tàn. Tiếng chuột lục đục trên mái. Những nồi xoong xống áo vứt bừa bãi. Dạ dày trống trơn. Tự nhiên tôi thèm một củ khoai nướng của đồng đất quê hương. Cái món mà tôi đã chán ngấy trước kia giờ lại trở thành một niềm khắc khoải. Cũng như những thứ tôi đã cố quên giờ lại hiện hữu trong tôi như một sự dằn vặt. Lam cứ trở đi trở lại trong giấc mơ tôi. Chúng tôi nắm tay nhau cùng bước đi trong cánh đồng chiều, tiếng cười nghiêng ngả bóng hoàng hôn. Rồi tiếng cười của Lam sắc lạnh như những lưỡi dao, phóng ra và găm tua tủa vào da thịt tôi tướp máu. Con béc-giê nhà Lam lao về phía tôi…

3

Mẹ tôi gọi điện, bảo, nó đi rồi. Nó nào? Đi đâu? Thì con em gái mày nữa chứ đứa nào. Đi làm, thấy bảo cũng lên thành phố.

Tôi lặng đi trong giây lát. Sao nó không gọi cho con? Nó sợ mày mắng mà lị. Giọng mẹ trầm buồn mà sao như đay như nghiến.

Vậy là cuối cùng con bé cũng rời bỏ làng quê mà đi. Mà thôi, nó cũng lớn rồi, tôi đâu có quyền gì cấm cản. Ừ thì biết đâu, có khi nó lại kiếm được tấm chồng khá giả, như Lam, thì chẳng phải là yên ấm cho đời nó hay sao. Lúc đó chẳng phải mẹ tôi cũng được nhờ cậy nó hay sao. Chứ còn cái thân tôi, trông mong gì được?

Tôi đi thăm thằng Thân. Nó gầy xơ xác. Trong tù thiếu thốn, không có ai thăm nuôi, lại bị bạn tù đánh, mặt mũi thâm tím. Nó bảo tôi đừng nói với gia đình nó việc nó bị vào tù. Tôi gật đầu. Nhưng mà, liệu sẽ giấu được bao lâu? Chúng tôi cùng im lặng. Một chốc, người ta dẫn nó về phòng giam. Tôi nhìn theo cái bóng nó xiên xẹo rồi mất hút sau song sắt nhà tù, chợt thấy lạnh người. Giá mà… Trước mắt tôi cả khoảng trời thơ ấu đột nhiên dội về như một cơn mưa mùa hạ. Tôi và thằng Thân cởi trần cưỡi trâu, miệng nhồm nhoàm nhai miếng khoai sống vừa bới được trong ruộng của nhà ai đó. Đúng rồi, là vị ngọt mát, thanh nhẹ, cả mùi hăng hăng, ngai ngái, lại cả tanh nồng, mằn mặn, vị của đất, của bùn, của những giọt mồ hôi và nước mắt. Bỗng có tiếng người quản giáo gọi tôi về thực tại. Đã hết giờ thăm tù. Tôi bàng hoàng dứt khỏi cơn mơ. Tuổi thơ vụt qua như một vết xước làm nhoi nhói đời trai trẻ.

4

Tôi đẩy cánh cổng gỗ bước vào nhà. Quạnh vắng. Khoảng trời nhá nhem dần trùm xuống mảnh sân khấp khểnh rêu phong. Tôi cất tiếng gọi mẹ. Không có lời đáp. Tôi vứt vội cái ba-lô lép kẹp xuống phản rồi chạy khắp nhà tìm mẹ. Vẫn không thấy đâu. Bỗng có tiếng mở cổng. Tôi ào chạy ra. Mẹ sững lại, đánh rơi cái quang gánh xuống đất. Nước mắt mẹ nhòe theo những vết chân chim hai bên khóe mắt, bàn tay mẹ run run sờ nắn thân thể tôi. Cha bố mày, sao không đi nữa đi! Tôi cúi đầu im lặng. Biết nói gì cho mẹ hiểu. Biết xin lỗi mẹ thế nào. Tôi chỉ là một đứa trẻ chẳng nghe lời. Giá mà tôi bé lại như ngày xưa, để mẹ bẻ que rong rào mà vụt cho lằn mông sau mỗi lần phạm lỗi.

Vài ngày sau, bỗng nhiên em gái tôi cũng trở về. Nó thẫn thờ như người mất hồn. Tôi gặng hỏi, nó chỉ khóc. Vừa lo lắng, vừa bực tức, tôi chỉ biết quát ầm lên. Mẹ gắt, mắng nó làm chi, cả hai anh em mày về được là tốt rồi. Tôi chợt thấy sao mà tê tái.

Một thời gian sau, nghe đâu Lam bị bắt vào tù. Vợ chồng Lam đứng đầu đường dây gái mại dâm. Thằng chồng bỏ trốn, chỉ còn lại mình Lam chịu trận. Cả làng tôi được phen lao đao. Lúc đó người ta mới tá hỏa tìm con em mình về, có đứa về được, có đứa chẳng thấy đâu. Chẳng biết đã lưu lạc xó nào, có khi đã thân tàn ma dại mà không dám về quê nữa. Tôi nghĩ đến em gái tôi, chắc đã chịu nhiều đắng cay, uất ức. Bỗng thấy thương nó và hận Lam vô cùng. Về được là tốt rồi. Tôi nhớ lời của mẹ. Từ giờ tôi sẽ không để mẹ và em chịu khổ. Không khá được ở đồng đất quê hương thì sao kiếm cơm được ở xứ người.

Tôi đi qua cổng nhà Lam, thấy đã có chủ mới. Bố mẹ Lam không biết đi đâu. Cả con béc-giê cũng không còn. Người chủ mới trồng một giàn thiên lý trước cổng, vừa tưới nước vừa nghêu ngao hát: “nhà anh ở cuối chân đồi/có giàn thiên lý có người em thương”.

Tôi đi ra cánh đồng. Nhiều ruộng đã bỏ hoang, cỏ tràn lên cỏ. Chỉ còn các mẹ, các chị vẫn oằn lưng trút những giọt mồ hôi thấm ướt đất khô cằn. Tôi chợt thấy thương đồng đất quê mình như thương chính cha mẹ tôi, ông bà tôi, tổ tiên tôi đã bao đời cày sâu cuốc bẫm.

5

Tôi mạnh dạn vay vốn rồi mua lại những ruộng bị bỏ hoang, đầu tư trồng khoai trên diện rộng. Nhìn cánh đồng khoai lang mỡ màng xanh, tôi nghĩ về thằng Thân, biết bao giờ nó được ra tù để trở về cùng tôi vun xới trên thửa ruộng. Cứ hết mùa tôi lại cho đất nghỉ, bón phân nuôi đất. Thế là những lứa khoai lần lượt ra đời, căng mẩy, tròn trịa. Khoai được tôi thu hoạch thành nhiều loại, loại nhỏ thì bán luôn tại ruộng, loại to đẹp hơn thì để bán lẻ, có loại để nướng để sấy khô và bán làm những thức quà cho khách trên thành phố. Người xa quê ăn một miếng khoai thì nhớ về tuổi thơ một thời gian khó và ngọt ngào. Chẳng mấy chốc mà cái tên Khoai Mơ của làng tôi đã bay đi khắp nơi.

Một hôm tôi đến tìm Lam.

Tôi mang cho Lam củ khoai vàng óng, căng mật.

Vị ngọt của đồng đất quê hương đấy, Lam còn nhớ không?

Lam nín lặng. Nước mắt chảy xuống.

Lam không cười như xưa nữa mà sao nước mắt cũng sắc lạnh như những lưỡi dao.

Tôi thấy lòng mình tê dại. Tôi chẳng thể hận Lam.

Cũng như tôi. Đồng quê vẫn bao dung cho đứa con lỡ bước trở về. Đất mẹ vẫn ôm chứa, ấp iu và nuôi sống.