Sôi sục tinh thần đấu tranh
Sau khi liên tục giải phóng các tỉnh, thành từ miền trung đến Tây Nguyên, vào miền đông, năm cánh quân của ta dồn sức cho trận cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với quy mô tác chiến hợp đồng binh quân chủng lớn nhất từ trước đến nay, Chiến dịch Hồ Chí Minh có sự tham gia của 20 sư đoàn đang hừng hực khí thế.
Bắt đầu chiến dịch, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Phó Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng các đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ vào chiếm Dinh Độc Lập. Đập tan “cánh cửa thép” của ngụy quân với chiến thắng vang dội ở Xuân Lộc, các cánh quân giải phóng trong tư thế sẵn sàng bước vào tiến công Sài Gòn. “Lúc bấy giờ không khí chiến đấu lan tỏa khắp nơi, tất cả anh em chúng tôi đều muốn xung phong ra trận. Ngày 27-4-1975, chúng tôi nổ súng bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các lực lượng, các cánh quân ồ ạt tiến vào thành phố, vài nơi địch có chống cự nhưng rất yếu ớt, giây phút chiến thắng cận kề”, Trung tướng nhớ lại.
Trong khi quân giải phóng liên tục giành chiến thắng vang dội trên chiến tuyến, từ đầu năm 1975, tại nội thành Sài Gòn - Gia Định, nhiều tổ chức được phân công nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa từ cấp cơ sở. Nhận lệnh, đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), nguyên quyền Bí thư Thành đoàn từ căn cứ Củ Chi, Thanh An (Bến Cát - Bình Dương) trở về nội thành chuẩn bị chỉ huy khởi nghĩa. Khi về tới nội thành, bà phát hiện ra nhiều đồng đội của mình đã bị bắt. Cùng với các đồng chí từ “rừng” về phối hợp, nữ cán bộ Tư Liêm bắt đầu công tác móc nối cơ sở, gấp rút tập hợp lực lượng.
Không lâu sau đó, lực lượng học sinh, sinh viên tham gia khởi nghĩa được thiết lập tại năm khu vực: Bàn Cờ - Vườn Chuối, Phú Nhuận - Cầu Kiệu, Khánh Hội - Xóm Chiếu, Gia Định - Đa Kao - Cầu Bông và Phú Tân Sơn - Bà Quẹo. Với vai trò chỉ huy chung cả năm khu vực khởi nghĩa nội thành, đồng chí Tư Liêm đã chọn ngôi nhà số 115 đường Bàn Cờ làm địa điểm hoạt động. “Sở dĩ có được lực lượng này nhanh chóng là nhờ từ năm 1973, Thành ủy đã chỉ đạo Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định giao mỗi trường học bám vào một địa bàn, xóm lao động trên địa bàn xây dựng các lõm chính trị quần chúng để khi có thời cơ khởi nghĩa là tập hợp được ngay. Nắm lực lượng trong tay, chúng tôi bắt đầu triển khai in ấn, rải truyền đơn, chuẩn bị vải may cờ giải phóng và nghe ngóng thông tin từ các nơi. Thời điểm đó tại Sài Gòn địch thiết quân luật rất chặt, việc liên lạc, chuẩn bị khởi nghĩa vô cùng khó khăn”, bà Trương Mỹ Lệ kể lại.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) được Thành ủy phân công về phụ trách quận 11, là mũi tiến công và nổi dậy trong nội thành ở ngay trước mặt Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam do đồng chí Võ Văn Kiệt lãnh đạo. Ngày 29-4-1975, Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam đã có mặt ở vùng ven đô, phía tây nam thành phố Sài Gòn - Gia Định, có cả lực lượng chủ lực của Quân khu và các tiểu đoàn, trung đoàn mũi nhọn. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30-4, khi nghe Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh ra lệnh “án binh bất động”, ông Trực cùng các đồng đội lập tức hành quân chạy bộ về hướng trụ sở quận. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử ấy: “Khí thế cách mạng ngất trời, dân chúng đổ ra đường mỗi lúc đông thêm. Nhiều người dùng xe honda, vespa, cả xe lam ba bánh chạy theo gọi chúng tôi lên xe di chuyển cho nhanh. Tôi cùng khoảng mười mấy anh em trang bị nhẹ, lên xe chạy thẳng vào chiếm lĩnh mục tiêu là trụ sở quận 11 của chính quyền Sài Gòn. Không biết sợ địch, chỉ biết lao về phía trước giành lấy chính quyền từ cơ sở đến cơ quan đầu não. Vừa cướp chính quyền xong, chúng tôi lập tức mở kho quân nhu của địch phát gạo cho dân”.
Toàn thắng về ta
Năm cánh của Giải phóng quân tiến vào Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu quan trọng là Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát ngụy. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. “Sư đoàn chúng tôi đáng lẽ vào chiếm Dinh theo như kế hoạch nhưng đến cầu Ghềnh gặp sự cố phải quay đi đường khác nên vào trễ 30 phút. Tuy lỡ hẹn nhưng ai cũng vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Tiếp quản Dinh xong, đêm đó tôi không tài nào ngủ được, cứ nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, nhiều người còn quá trẻ. Hai ngày sau đó, tôi được trực tiếp tham gia một buổi họp báo quan trọng và cuộc gặp mặt ông Dương Văn Minh. Tôi gọi đó là cuộc gặp mặt lịch sử vì nó rất đặc biệt. Nó thể hiện rõ chính sách hòa hợp dân tộc của ta sau bao nhiêu năm chiến đấu quyết liệt”, Trung tướng Nguyễn Văn Thái hồi ức.
Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử 45 năm về trước, nữ cán bộ Trương Mỹ Lệ mắt rưng rưng. Bà nói, bản thân hạnh phúc vì được nhìn thấy thắng lợi, thành quả của cách mạng và không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc: “Trước khi khởi nghĩa, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, kể cả hy sinh. Lúc nghe tin chiến thắng ai cũng vui mừng, không ngờ chúng ta có một chiến thắng trọn vẹn, nhanh chóng như vậy. Một thắng lợi quá đẹp, không máu đổ vào thời khắc quan trọng nhất”.
Ngày 30-4 lịch sử, Sài Gòn như không ngủ, người người ùa ra đường với cờ hoa, khẩu hiệu trên tay, mừng vui đón các chiến sĩ giải phóng. Sài Gòn không có “tắm máu” như tuyên truyền bịa tạc mà thành phố ngập trong sắc cờ xanh đỏ và tiếng hò reo. Lực lượng cách mạng tại chỗ không còn giữ chiếc áo bí mật “hợp pháp” của mình nữa, họ xuất hiện khắp nơi, hòa cùng đoàn xe tăng, bộ đội giải phóng, họ hò reo trong niềm tự hào bất tận. Sài Gòn im bặt tiếng súng, chỉ còn tiếng cười nói rộn ràng, Chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, nam - bắc nối liền.
Lịch sử sang trang, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát động thế hệ trẻ tiến quân vào trận địa xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc. Khắp nơi ở đô thị, sinh viên, học sinh ra đường điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, xóa tàn tích nô lệ, xóa bỏ văn hóa đồi trụy, độc hại… Nhiều thanh niên cùng gia đình trở về quê cũ, bám ruộng vườn còn in đậm dấu vết chiến tranh. Thanh niên công nhân hăng hái khởi động các xưởng máy, nhận trọng trách giữ cho thành phố không bị mất điện hay nước sạch. Phong trào tự nguyện làm công tác xã hội phát triển rộng khắp, ngày 28-3-1976, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) trao cờ Thanh niên xung phong xuất quân vào mặt trận kinh tế cho đồng chí Phạm Chánh Trực, Bí thư Thành đoàn Thanh niên cộng sản đầu tiên của thành phố. “Hàng vạn thanh niên đa dạng các tầng lớp với đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản làm nòng cốt hăng hái chung tay xây dựng thành phố. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định vui mừng khuyến khích con em mình “lên rừng xuống biển” đi xây dựng kinh tế mới trên địa bàn nhiều tỉnh, thành miền nam. Đó là một cuộc biểu dương ý chí của toàn dân chuyển thành phố từ đầu não chiến tranh sang xây dựng hòa bình, từ ăn bám viện trợ sang lao động sản xuất tự lực tự cường. Đó là một bước chuyển mạnh mẽ từ ý thức dân tộc chia rẽ hàng trăm năm do đất nước bị nô lệ, chia cắt và chiến tranh sang hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động vì Tổ quốc Việt Nam thống nhất”, đồng chí Phạm Chánh Trực trải lòng.