Cống hiến lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hội tụ đầy đủ những phẩm chất, bản lĩnh của một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chính khách, một nhà lý luận cách mạng. Là người lãnh đạo với cương vị Tổng Bí thư của Đảng lãnh đạo và cầm quyền, có những năm còn giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát triển Cương lĩnh, đường lối đổi mới, cụ thể hóa, thể chế hóa thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Là nhà lý luận, hoạt động khoa học, đồng chí cùng Trung ương, Chính phủ thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển và nhận thức rõ hơn cơ sở lý luận, khoa học của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới của đất nước và thời đại.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Mậu Tuất (Hà Nội, 7/2/2018). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Mậu Tuất (Hà Nội, 7/2/2018). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có thế mạnh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận cách mạng. Chính trị học là khoa học tổng kết, phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc, quan hệ chính trị trong xã hội, mô hình chế độ chính trị với sự vận hành do các đảng chính trị cầm quyền. Xây dựng Đảng Cộng sản là lý luận phản ánh quy luật phát triển của cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Tư tưởng và lý luận về Đảng Cộng sản đã được C.Mác, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh luận giải căn bản và có những chỉ dẫn sâu sắc. Trong xây dựng Đảng có một vấn đề lớn là vai trò của tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng về tư tưởng lý luận như thế nào để bảo đảm bản chất cách mạng và khoa học của Đảng và không ngừng nâng cao tính tiền phong của Đảng, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Các thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đều đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiều năm công tác và lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng. Từ tháng 2/1998 đến tháng 1/2000 đồng chí phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng, là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11/2001 - 8/2006). Đó là cơ sở, điều kiện rất quan trọng để từ năm 2011 đến nay, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có những cống hiến nổi bật về tư tưởng, lý luận của Đảng trong sự nghiệp đổi mới.

Một là, Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với toàn Đảng nêu cao quan điểm: Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn từ năm 1930, khi Đảng ra đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn khẳng định phương châm: Trung thành gắn liền với phát triển sáng tạo, kiên định và không ngừng đổi mới phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại. Đó là phương pháp luận khoa học đặc sắc để khắc phục triệt để sự bảo thủ, trì trệ, chủ nghĩa giáo điều và bệnh chủ quan, duy ý chí.

Báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự phát triển sáng tạo của Đảng khi xử lý, thực hiện thành công các mối quan hệ lớn. Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tổng Bí thư nêu rõ: “Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”[1].

Cống hiến lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết người dân Thủ đô nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: DUY LINH

Hai là, thấm nhuần lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư cùng toàn Đảng đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong tác phẩm lý luận nổi tiếng, Tổng Bí thư đã nêu bật bản chất, mục tiêu và mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng. Đó là sự kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (1991) và bổ sung, phát triển năm 2011.

Với tư cách một nhà lý luận, Tổng Bí thư đã có cống hiến lớn về phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mới. Lý luận về mục tiêu, mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam không chỉ được Đảng và nhân dân Việt Nam phấn đấu thực hiện, mà còn được bạn bè quốc tế đồng tình coi đó là sự đóng góp phát triển lý luận. Đó là xã hội thật sự vì lợi ích và cuộc sống nhân dân, vì con người cả về vật chất, văn hóa, tinh thần. Đó là xã hội nhân văn, nhân ái vì một đất nước hùng cường, phồn vinh, công bằng, văn minh và hạnh phúc. Đó cũng là xã hội thấm đượm khát vọng hòa bình, hữu nghị, thân ái giữa các quốc gia, dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”[2].

Đó là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì hiện thực hóa. Tư tưởng lớn đó cần được toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc và thực hiện có hiệu quả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị đối với cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổng Bí thư cho rằng, trong xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết, cấp thiết để làm cho bộ máy Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, hướng tới những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Nhưng cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên mới thật sự có ý nghĩa quyết định. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ có nguy cơ mất Đảng, mất chế độ. Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh, tư tưởng chính trị là điều căn cốt nhất quyết định bản chất cách mạng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư yêu cầu cần phải giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách căn bản, có hệ thống và sâu sắc để cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý luận, tư tưởng cách mạng vận dụng đúng đắn vào thực tiễn, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp. Yêu cầu cao đặt ra là từ tư tưởng, lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng mà vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác. Khắc phục việc nghiên cứu, học tập lý luận một cách hình thức, kém thực chất, nặng về bằng cấp cốt để sắp xếp, đề bạt cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ việc giáo dục, truyền bá, học tập lý luận, đường lối của Đảng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng, chú trọng tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, quán triệt quan điểm của Bác Hồ, coi đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng phát triển với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Các thế lực thù địch cố tình phủ nhận điều đó và ra sức phá hoại trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Chúng phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư chỉ đạo kiên quyết đấu tranh phê phán những luận điệu sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị khóa XIII và sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư đã tiến hành cuộc đấu tranh có hiệu quả. Cùng với phê phán quan điểm thù địch phải nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, nhận thức sáng rõ về tư tưởng của cán bộ, đảng viên để không dẫn tới suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân và bạn bè quốc tế. Đồng chí Tổng Bí thư đã có cống hiến lớn về lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Những cống hiến đó là bài học nhận thức và hành động để toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục phát triển nhằm nâng cao bản chất cách mạng, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 39.

[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, trang 21-22.