Họ đã có một thanh xuân như thế

“Mễ Trì một thời đạn bom, một thời tuổi trẻ” (NXB Lao động) là cuốn kỷ yếu của các cựu dân quân Mễ Trì những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa được ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 51 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
0:00 / 0:00
0:00
Họ đã có một thanh xuân như thế

1/Cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ diễn ra trong vòng tám năm thì có đến bảy năm lực lượng dân quân xã Mễ Trì trực chiến bắn trả máy bay Mỹ bảo vệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của Tổ quốc nằm trên địa bàn xã Mễ Trì.

Trên trận địa pháo Giếng đồng Sung, Trung đội dân quân xã Mễ Trì đã chiến đấu hàng trăm trận, góp phần bắn rơi hai máy bay F4 của Mỹ ngày 26/6/1972 và ngày 4/7/1972. Đặc biệt, đơn vị đã độc lập bắn rơi tại chỗ chiếc F4 được Mỹ mệnh danh là “con ma” của không lực Hoa Kỳ ngày 8/7/1972, là chiếc máy bay thứ 301 do quân dân Hà Nội bắn rơi trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Cuốn sách đã tái hiện lại những năm tháng trực chiến, chiến đấu oanh liệt và bi tráng của Trung đội dân quân xã Mễ Trì trong bối cảnh những chàng trai khỏe mạnh đã lên đường ra tiền tuyến, nhân dân đã đi sơ tán, lực lượng dân quân đa số là những cô gái chàng trai còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi 16, 17, 18. Họ đã ý thức được sâu sắc nhiệm vụ của mình một cách tình nguyện, vô tư, xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước giản dị mà cao đẹp. Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trung đội đã chiến đấu kiên cường, nhiều đồng chí bị thương, sáu đồng chí đã anh dũng hy sinh…

Họ đã có một thanh xuân như thế ảnh 1

2/Buổi ra mắt cuốn sách cũng là buổi gặp mặt của các cựu dân quân sau 51 năm diễn ra chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, những chàng trai, cô gái năm xưa của Trung đội dân quân xã Mễ Trì nay đã tóc bạc da mồi. Đứng trước bia tưởng niệm trận địa pháo Giếng đồng Sung (được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội gắn biển di tích cách mạng, kháng chiến năm 2016), nơi họ đã cùng nhau một thời chiến đấu, nơi những đồng đội của họ đã hy sinh thì ký ức của một thời hoa lửa lại ùa về nguyên vẹn.

Ông Trần Ngọc Lam, nguyên là xã đội phó trực tiếp chỉ huy trung đội trực chiến và là người trực tiếp chỉ huy trung đội độc lập bắn rơi tại chỗ máy bay F4 của Mỹ ngày 8/7/1972 không giấu được niềm xúc động. Đọng lại trong ký ức của người cựu dân quân ấy là tiếng máy bay, tiếng đạn bom xé nát bầu trời Hà Nội trong một ngày mùa đông rét buốt cắt da. Nhưng ám ảnh hơn cả là tiếng kêu cứu của nhân dân, của đồng đội bị dính bom, sập nhà, sập hầm. “Không một cách nói nào để diễn tả được nỗi đau của chúng tôi khi tận mắt nhìn những đồng đội còn trẻ trung, những cô gái vô cùng ngây thơ hy sinh không được nguyên vẹn…”. Nỗi đau của quê hương đã ngấm vào máu xương ông, thúc giục ông cùng đồng đội chiến đấu đến cùng và làm nên niềm tự hào, kiêu hãnh của Mễ Trì.

Với bà Nguyễn Thị Buồm thì đó là những năm tháng đáng nhớ nhất của cuộc đời. Trong những ngày Mễ Trì đỏ lửa ấy bà đã ba lần chết hụt khi đang tham gia cứu nhân dân và đồng đội. Trong một đợt ném bom của Mỹ, đồng chí xã đội trưởng vì xông pha lên trước nên đã hy sinh ngay cách chỗ bà đứng 2 m, còn bà ngất lịm đi. Lúc ấy mọi người tưởng như bà đã không sống nổi. Sau đó mẹ bà bảo bà đi sơ tán cùng dân làng nhưng bà kiên quyết “con còn trẻ, con phải ở lại bảo vệ xóm làng, chiến đấu cùng đồng đội con và tìm đồng đội đã hy sinh”. Lúc ấy có một đồng chí đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy xác…

3/51 năm đã trôi qua, Mễ Trì đã thay da đổi thịt, mầu xanh và sự sống vẫn từng ngày vươn lên trên trận địa năm xưa, Trung đội dân quân xã Mễ Trì đã có những người khuất bóng thời gian… Nhưng đọng lại trong ký ức của mảnh đất này và những cựu dân quân năm xưa là những tháng ngày tuổi trẻ tươi đẹp nhất sục sôi nhất của một thế hệ thanh niên xã. Họ đã trở thành niềm tự hào của Mễ Trì hôm qua, hôm nay và cả mai sau.

Cuốn sách “Mễ Trì một thời đạn bom, một thời tuổi trẻ” ấn hành đã phần nào lưu lại những câu chuyện, những hình ảnh vô cùng ý nghĩa của Trung đội dân quân xã Mễ Trì ngày ấy. Cuốn sách là những kỷ niệm, tư liệu của chính những người trong cuộc kể lại, lưu lại để khắc nhớ về một thời họ đã trẻ trung, đã sống, chiến đấu và cống hiến cho quê hương như thế nào.