1/Sau những ngày mưa tầm tã, trời Hà Nội xanh mát, không một gợn mây. Sáng sớm, nắng thu trải một mầu vàng mềm như dải lụa trên các vòm sấu xanh cổ thụ. Buổi sáng thứ 7 ấy, khác với sự tĩnh lặng của một ngày nghỉ cuối tuần, khu nhà 51 Trần Hưng Đạo nhộn nhịp khác thường. Trên hội trường ở tầng hai, chưa đến 8 giờ theo giấy mời nhưng các hàng nghế đã đông người ngồi. Nhiều văn nghệ sĩ là lãnh đạo các hội chuyên ngành ở Trung ương và Hà Nội. Nhà văn lão thành Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Hoàng Vân đã vào tuổi ngoài bát tuần vẫn chống gậy đến, được chị em trong Ban Tổ chức cẩn trọng dìu đỡ ngồi lên hàng nghế đầu.
Đúng 8 giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tươi cười bước vào phòng họp cùng nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông… Với nụ cười rất tươi và tác phong nhanh nhẹn, giản dị vốn có, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân mật đến bắt tay từng đại biểu.
2/Nhà thơ Hữu Thỉnh trân trọng kính mời Tổng Bí thư điều hành cuộc họp. Tổng Bí thư nói, hôm nay tôi và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành rất vui mừng đến thăm và làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành ở Trung ương; được gặp gỡ các đồng chí, những người hoạt động sáng tạo VHNT, một lĩnh vực tinh tế và đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đất nước ta. Trước hết, tôi xin gửi tới các bác, các anh, các chị và các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất. Bây giờ, trước khi phát biểu, tôi rất muốn được nghe ý kiến của các đồng chí.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình hoạt động của VHNT sau gần 30 năm đổi mới và 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII) của Đảng. Theo đó, cái được nhất là tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ được giải phóng, không gian suy nghĩ, cảm hứng, thể nghiệm, giao tiếp được mở rộng; điều kiện làm nghề từng bước được cải thiện, tất cả tạo nên một bước phát triển đa dạng về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác… Báo cáo của Nhà thơ Hữu Thỉnh đề cập đến nhiều vấn đề nóng của hoạt động VHNT trong suốt 30 năm qua. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì trong hoạt động, văn nghệ nước nhà cũng còn nhiều bất cập tồn tại… Những yếu kém trong sáng tác đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nghiêm túc nhìn lại, giới VHNT phải nhận một phần trách nhiệm trước tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, lối sống của xã hội hiện nay.
Thay mặt giới VHNT nước nhà, nhà thơ Hữu Thỉnh đề xuất và kiến nghị với Đảng một số vấn đề về thể chế hóa Nghị quyết của Đảng; sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho VHNT về những vấn đề của VHNT và văn nghệ sĩ cần được Đảng, Nhà nước quan tâm. Như, xác định lại rõ ràng vai trò của các Hội VHNT từ T.Ư đến địa phương là tổ chức “Chính trị-xã hội-nghề nghiệp”; tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động VHNT; có chính sách cho văn nghệ sĩ khó khăn về nhà ở và trong cuộc sống…
Nhà thơ lão thành Vũ Tú Nam dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng giọng nói vẫn rành rọt, ông trăn trở trước tình hình xuống cấp về đạo đức và lối sống của một số văn nghệ sĩ qua sáng tạo nghệ thuật. Ông cũng nhắc nhở ai đó “đừng lấy văn nghệ để làm nơi mua danh!”. Họa sĩ Trần Khánh Chương, tóc bạc trắng, thẳng thắn nêu rõ, một số lãnh đạo, quản lý còn thờ ơ với hoạt động của văn hóa văn nghệ. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đặt vấn đề, các Nghị quyết của Đảng về VHNT được thể chế hóa thành văn bản pháp luật để các tổ chức nhà nước, xã hội và nhân dân thực hiện còn chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm giảm vai trò của văn hóa là “động lực, là mục tiêu của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC
Nhìn lại nhiều năm qua, những định hướng mang tầm chiến lược và chỉ đạo sâu sắc gắn với những bối cảnh cụ thể của đất nước, tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong những sự kiện lớn của đất nước và nhân các cuộc gặp mặt giữa Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu văn nghệ sĩ, nhà khoa học. Năm 2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một dấu ấn lớn của công cuộc chấn hưng văn hóa, tôn vinh và phát huy giá trị, vai trò văn hóa trong đời sống kinh tế, xã hội. Là người có vai trò cao nhất trong chỉ đạo và tổ chức thành công hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, được coi như kim chỉ nam cho nhiều cấp, ngành, địa phương trong việc khơi dậy sức mạnh văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên mọi mặt đời sống để xây dựng kinh tế, xã hội, phát triển đất nước, vun đắp con người Việt Nam. Tại hội nghị, Tổng Bí thư đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Cùng với đó là 4 giải pháp: Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội.
3/Sau hơn hai giờ đồng hồ lắng nghe những ý kiến của văn nghệ sĩ, phát biểu của lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những giải đáp của đại diện các bộ, ngành, với tình cảm sâu nặng và ấm áp dành cho những người làm công tác VHNT, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh những nỗ lực lớn lao, những sáng tạo bền bỉ, những kết quả nổi bật của giới VHNT và chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, thách thức và cả những hạn chế bất cập, mà Đảng đoàn cùng cán bộ, hội viên và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ.
Tổng Bí thư đánh giá, qua thực tiễn hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII), Nghị quyết 23-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị (Khóa X) về lĩnh vực công tác này, nền văn hóa, VHNT nước ta tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Tổng Bí thư cũng chia sẻ, tuy nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đời sống của đa số anh chị em văn nghệ sĩ còn khó khăn, nhưng với lòng say mê, tâm huyết, đã sáng tạo nhiều tác phẩm đáng trân trọng.
Có mặt trong cuộc gặp gỡ hôm đó, nhiều người còn nhớ nhận xét của Tổng Bí thư khi bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, lĩnh vực VHNT còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Điều đáng lưu ý là, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, đã và đang xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” cùng những biểu hiện “bắt chước, lai căng”… trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của VHNT, ảnh hưởng đến việc giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người đọc, người xem; không động viên, khuyến khích được văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị VHNT chân chính. Hoạt động lý luận phê bình nhìn chung còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan ở T.Ư, các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành có lúc, có việc còn thiếu quán xuyến và sâu sát. Việc tham mưu để thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng còn chậm và thiếu đồng bộ.
Trò chuyện với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ, Tổng Bí thư nói, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Tổng Bí thư mong muốn các văn nghệ sĩ trẻ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình; thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa hơn.
PHÁT HUY VAI TRÒ VĂN NGHỆ SĨ
Ngày 25/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023). Tổng Bí thư đã khẳng định những đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư đã đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật; cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực để văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa. Theo Tổng Bí thư, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật; trí thức văn học nghệ thuật cần tiếp tục tăng cường tham mưu cho Đảng và Nhà nước, phối hợp các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - văn nghệ sĩ có tài năng, nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, bảo đảm số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
4/Tôi để ý chung quanh có tiếng thì thầm khi Tổng Bí thư tâm sự, chia sẻ như một người bạn thân thiết của giới văn nghệ. Những điều mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng nói hôm đó không hề cao siêu, kinh viện mà thật gần gũi, giản dị. Cả hội trường vang lên những đợt vỗ tay khi Tổng Bí thư kết thúc bài nói chuyện với thông điệp gửi gắm: Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sẽ cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; tạo điều kiện để VHNT và anh chị em văn nghệ sĩ có thêm điều kiện hoạt động, sáng tạo, có nhiều tác phẩm xứng đáng với dân tộc, với đất nước, với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trước khi lên ô-tô ra về, Tổng Bí thư còn dừng hồi lâu để trò chuyện thân mật với nhiều văn nghệ sĩ ở sân nhà 51 Trần Hưng Đạo và chụp ảnh kỷ niệm chung với mọi người.
Tôi nhìn đồng hồ, lúc đó là 12 giờ.