Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality), bước vào triển lãm, người xem trở lại với 10 dấu mốc lịch sử trong quá trình tiếp quản, giải phóng Thủ đô tháng 10/1954. Chân thực và sống động, khách tham quan không chỉ đọc mà còn cảm nhận bằng mắt thấy, tai nghe.
Nhờ thiết bị tích hợp 2 camera 50Mp, Ban tổ chức triển lãm đã ghi lại không gian 3D tuyệt đẹp với độ phân giải Full HD tại nhiều địa danh nổi tiếng như hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn và 5 cửa ô lịch sử. Du khách được ngắm nhìn các thắng cảnh dưới dạng không gian ba chiều.
Trong dịp này, Báo Nhân Dân cũng ra mắt phụ san đặc biệt, phát hành vào đúng ngày 10/10 với chủ đề Cột cờ Hà Nội, gồm 1 trang nội dung về Cột cờ Hà Nội và 1 trang cắt dán mô hình. Bạn đọc có thể cắt, dán trang báo in thành mô hình Cột cờ Hà Nội và tương tác với mô hình thông qua ba mã QR. Mỗi mã QR sẽ cung cấp nội dung mở rộng và dẫn đến các dự án thú vị khác trong hệ sinh thái của Báo Nhân Dân. Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng ra mắt dự án “Mỗi người, một mảnh ghép”. Theo đó, bạn đọc gửi ảnh cá nhân để ghép thành một bức ảnh lớn về Cột cờ Hà Nội. Bạn đọc sẽ dùng mã số được cung cấp để tìm kiếm vị trí bức ảnh của mình trong bức hình lớn được công bố vào ngày giải phóng 10/10.
Triển lãm “Cột cờ Hà Nội” là một thí dụ sinh động cho việc làm mới cách tiếp cận lịch sử thông qua công nghệ, giúp những giá trị truyền thống trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với thế hệ trẻ. Triển lãm cũng góp phần mở ra góc nhìn mới về cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong thời đại kỹ thuật số.