1/Đại tá Nguyễn Bội Giong, sinh năm 1926, ở làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), ông là lão thành cách mạng, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu. Gia đình ông nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Ông nội là nhà nho, từng là tri phủ huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây trước đây), sau được triều đình nhà Nguyễn phong làm đốc học, phụ trách hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Cha ông là cụ Nguyễn Trọng Dục - một nhà buôn sắt thép đầu tiên ở Hà Nội, kinh doanh cửa hàng có tiếng tại số 18 phố Lò Rèn.
Gia đình đông con nhưng anh em Đại tá Nguyễn Bội Giong được cho ăn học đến nơi đến chốn. Ông học rất giỏi, thi đỗ vào trường Bưởi, được nhận học bổng bán toàn phần rồi toàn phần của trường. Ông tiết lộ, tên ông có chữ đệm là Bội được thân phụ lấy từ tên đệm của cụ Phan Bội Châu, với mong muốn ông lớn lên sẽ là một người chiến sĩ cách mạng yêu nước.
Thời chiến, Đại tá Nguyễn Bội Giong được điều động về công tác tại phòng Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam, làm việc dưới sự phụ trách trực tiếp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, bí danh là Bế Văn Quý - Trưởng phòng bí thư của Đại tướng. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/1948 đến tháng 6/1951, ông Nguyễn Bội Giong là cán bộ quân sự trong Văn phòng Tổng Chính ủy với công việc hằng ngày là giúp Đại tướng theo dõi tình hình chiến tranh và những hoạt động tác chiến của các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trên toàn quốc. Sau đó, ông chuyển sang làm phái viên tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, làm Bí thư quân sự cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Thường xuyên được làm phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu đi cùng các sư đoàn, trung đoàn trong các chiến dịch. Tuy nhiên, ông vẫn thường được nhận lệnh do Đại tướng Tổng Tư lệnh trực tiếp giao.
Trong gần 130 ngày hoạt động kể từ ngày nhận lệnh lên đường tới chiến trường Điện Biên Phủ, mở chiến dịch lịch sử quyết định cho đến ngày toàn thắng (từ ngày 1/1/1954 đến 7/5/1954). Hằng ngày được tiếp xúc với Đại tướng, Đại tá Nguyễn Bội Giong học hỏi được rất nhiều điều về tài trí và tác phong làm việc của “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gọi ông một cách thân mật là “chú Giong”, coi ông như một người thân trong nhà, cùng nhau vượt qua biết bao mùa chiến dịch, cùng trải qua những gian khó, vất vả, mất mát của thời kỳ chiến tranh và rồi cùng nhau chứng kiến đất nước mình độc lập.
“Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc của những ngày ở bên anh Văn đi qua biết bao mùa chiến dịch vẫn vẹn nguyên trong tôi”, Đại tá Nguyễn Bội Giong xúc động nhớ lại.
2/Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong, mặc dù Đại tướng chưa qua một lớp đào tạo quân sự chính thống nào, chỉ là một luật sư giỏi của Trường Đại học Đông Dương giảng dạy về lịch sử. Tuy nhiên, tài năng nghệ thuật quân sự, tư duy chiến lược của Đại tướng là điều rất đáng khâm phục. Tư duy đó được hình thành trên nhiều yếu tố, là tư duy chỉ đạo chiến lược của các bậc tiền nhân, các anh hùng thời lập quốc, giữ nước, bất luận trong nghệ thuật chỉ đạo chiến thuật, chiến dịch hay chiến lược đều luôn có mục đích rõ ràng.
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong, khi được liên lạc với lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã bố trí cho Đại tướng vào công việc này. Thời điểm đó, Đại tướng đã bộc lộ rõ những năng khiếu vốn có và rất chịu khó học hỏi thêm từ những người lính, tiểu đội trưởng. Trong thời gian diễn ra chiến dịch 56 ngày đêm tại Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Đại tướng đã giữ vai trò là Tổng Tư lệnh, đồng thời là Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng là người mà đã định mục tiêu nào là bám chắc mục tiêu đó, không có chuyện đang làm bỏ dở. Đại tướng vốn tư chất thông minh, vừa hỏi vừa khơi gợi ý kiến suy nghĩ giúp mọi người hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, Đại tướng cũng rất giỏi nghi binh, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng rất bất ngờ về cách Đại tướng đưa ra các thí dụ, Đại tá Nguyễn Bội Giong chia sẻ.
Ông Giong nhớ lại, gần như hằng ngày, Đại tướng đều lên đài quan sát của Bộ Chỉ huy chiến dịch ở bản Mường Phăng để quan sát tình hình địch ở khu vực Mường Thanh với chiếc ống nhòm do quân đội Liên Xô (trước kia) tặng, có thể nhìn xa và rõ. Thấy Đại tướng chăm chú quan sát những đợt máy bay vận tải hạng nặng lên xuống liên tục và những hoạt động trinh sát trên không của các máy bay B-26, các sĩ quan tham mưu được trực tiếp phục vụ tại Sở chỉ huy càng hiểu rõ sự quan tâm và những suy nghĩ tập trung của Đại tướng.
Ở Sở chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một cách làm việc và nghe báo cáo rất đặc biệt. Đại tướng không hạn chế người báo cáo để phát huy cao độ tinh thần quân sự dân chủ trong mọi công tác. Ông thường xuyên trao đổi với các ủy viên trong Đảng ủy chiến dịch, có khi riêng từng người. Anh em trong cơ quan cũng báo cáo kịp thời, liên tục. Nghe xong, Đại tướng sẽ hỏi lại, tập trung rất sâu về những chi tiết mà chính người báo cáo nhiều lúc cũng không nghĩ tới. Kết quả là sau khi trả lời những câu hỏi của Tổng Tư lệnh, người báo cáo cũng nắm được rõ ràng và sâu sắc hơn những tình huống mà mình vừa phản ánh.
Nhờ vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cán bộ, chiến sĩ đã mạnh dạn đề xuất, sáng tạo và thực hiện nhiều phương pháp chiến đấu mới làm địch bất ngờ, không thể đối phó được. Thí dụ như, trong khi đào chiến hào đánh lấn, các chiến sĩ đã sáng tạo ra cách chống đỡ với những lựu đạn và mảnh súng cối của địch để chặn quân ta không tiếp cận được. Đó là làm những con cúi bằng những khúc gỗ, quấn chung quanh rất nhiều vòng rơm, lá cây, dây leo để đẩy ở trên mặt hào theo tiến trình của động tác đào công sự lấn vào sát điểm tựa địch, đồng thời mỗi chiến sĩ cũng có một cái mũ đan bằng dây thừng ken nhiều lớp lá rừng, đội khi đào chiến hào vào sát địch... Những thứ đó đã giảm rất nhiều thương vong cho chiến sĩ ta.
Hoặc như, với pháo cao xạ 37 mm, bộ đội ta luôn tận dụng để đưa đến sát địch, mục đích khống chế được không phận gần nhất, làm cho máy bay địch không dám bay thấp để thả dù tiếp tế, phải thả ở độ cao lớn, thiếu chính xác. Trong thực tế, nhiều lần do đưa pháo đến gần khiến địch thả hàng rơi ngay vào những trận địa của ta, giúp cho việc đoạt dù tiếp tế của địch, vừa bổ sung vật chất kỹ thuật cho quân ta, vừa dồn quân địch vào thế túng thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược.
Và còn rất nhiều những sáng tạo cụ thể khác đã được tạo ra trong quá trình tác chiến, giúp cho quân đội ta từng bước tước bỏ được những ưu thế sẵn có của địch, nhất là về mặt hỏa lực của không quân đối với bộ binh của ta.