Người đúc kết và phát triển lý luận về văn hóa trong thời kỳ đổi mới

Dành nhiều trí tuệ cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc". Với mệnh đề này, Tổng Bí thư đã đúc kết về vị trí, vai trò sâu thẳm nhất của văn hóa, tạo nên phẩm giá, bản lĩnh, vẻ đẹp, sức sống vĩnh hằng của dân tộc ta.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới về dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất năm 2018. Ảnh: DUY LINH
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới về dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất năm 2018. Ảnh: DUY LINH

Hầu hết các bài viết, bài nói và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa đều trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ năm 1998 đến 2023. Lý luận về văn hóa thời kỳ này có sự đổi mới sâu sắc và bước phát triển lớn, mở đầu bằng Nghị quyết T.Ư 5, Khóa VIII của Đảng “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp tham gia xây dựng nghị quyết này. Từ năm 1999, với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng, đồng chí đã dành nhiều trí tuệ cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận về văn hóa để chỉ đạo lĩnh vực phong phú và tinh tế này. Có lúc, đồng chí tâm sự: “Sự nghiệp lý luận khó lắm, khó vô cùng” (Nguyễn Phú Trọng, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, Tr. 654). Khoảng 30 năm quan tâm, suy ngẫm, chỉ đạo lĩnh vực này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết hợp hết sức nhuần nhuyễn giữa đúc kết những thành tựu, quan điểm lý luận về văn hóa của Bác Hồ và của Đảng với việc phát triển, bổ sung làm phong phú hệ thống quan điểm đó.

Trong công trình của mình, Tổng Bí thư đề cập đến hầu như tất cả các lĩnh vực của văn hóa. Ở mỗi lĩnh vực đều có dấu ấn riêng của ông. Song, khi đề cập đến các vấn đề chung nhất của văn hóa, Tổng Bí thư luôn khẳng định mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Ông nhấn mạnh nhiều lần câu nói của Bác: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, nghĩa là văn hóa phải là Ánh sáng đủ sức dẫn dắt dân tộc, quốc dân. Từ đó, Tổng Bí thư suy nghĩ thêm về chiều sâu của văn hóa “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, tức là Tổng Bí thư nói đến vị trí, vai trò sâu thẳm nhất của văn hóa, tạo nên phẩm giá, bản lĩnh, vẻ đẹp, sức sống vĩnh hằng của dân tộc ta. “Soi đường” và “hồn cốt” đã tạo nên vai trò sức mạnh đặc biệt của văn hóa Việt Nam.

Văn kiện của Đảng và công tác nghiên cứu lý luận văn hóa đã chú trọng phân tích làm rõ nội hàm của luận điểm “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã lý giải luận điểm đó bằng những cặp phạm trù biện chứng gắn kết, xuyên thấm lẫn nhau, đó là truyền thống - hiện đại, kế thừa - phát triển, dân tộc - quốc tế, nhân văn - dân chủ - khoa học. Cách lý giải đó tạo nên một tầm nhìn mới về nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà dân tộc ta phải xây dựng và phát triển. Từ đó, Tổng Bí thư chỉ ra và khẳng định hai vai trò, nhiệm vụ lớn của văn hóa:

Một là, vai trò của văn hóa trong thời kỳ quá độ lâu dài, khó khăn, phức tạp đang diễn ra ở nước ta hiện nay, văn hóa phải thấu hiểu đặc điểm đó và tham gia vào cuộc “đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai, cái giá trị truyền thống và cái mới du nhập, cái triển vọng và cái quá khứ”, khi mà cuộc đấu tranh đó “nhiều khi chưa phân thắng bại, trận tuyến lại không rõ ràng” (sđd tr.64). Đó là một tư tưởng mới, sâu sắc, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và sứ mệnh “nhập cuộc” của văn hóa, mà nguồn gốc sâu xa của luận điểm này là “văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, Tổng Bí thư nêu một quan điểm mới, từ đó chỉ ra yêu cầu rất cao và rất thực tiễn: “Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội” (sđd - tr.48). Đây là định hướng mới vừa có ý nghĩa chiến lược vừa thấu hiểu quy luật phát triển của văn hóa hiện đại (tính đa dạng của nó) đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước “chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của nền văn hóa”. Có thời kỳ, người ta khó chấp nhận tính đa dạng của văn hóa, dẫn tới dấu hiệu “đồng phục”. Lại có thời khuyến khích cái gọi là “đa dạng” một cách thiếu định hướng, dẫn tới những biểu hiện “nhố nhăng, phản cảm”, thậm chí “vô văn hóa, phản văn hóa”, như Tổng Bí thư chỉ ra. Định hướng và xử lý khoa học, biện chứng giữa tính đa dạng và dòng chủ lưu của văn hóa là đòi hỏi khách quan, đồng thời là một thách thức mới đối với năng lực, bản lĩnh lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực hành văn hóa ở nước ta hiện nay và nhiều năm tới.

Người đúc kết và phát triển lý luận về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết người dân Hà Nội trong ngày đầu năm mới Đinh Dậu 2017.Ảnh: ĐĂNG ANH

Xuất phát từ quan điểm cơ bản, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển, Tổng Bí thư nhấn mạnh rõ hơn nữa vai trò của văn hóa trong thời kỳ hiện đại với luận điểm: “Ngày nay, văn hóa còn được coi là một yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc” (sđd - tr.50). Từ đó, về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn, Tổng Bí thư yêu cầu phải coi nhiệm vụ xây dựng văn hóa là “một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam” (sđd - tr.54), vì thế, văn hóa là “động lực đột phá tạo ra nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững” (sđd - tr.44). Các luận điểm rất cô đọng, ngắn gọn trên là sự bổ sung, phát triển tư duy của Đảng về văn hóa.

Chúng ta thường nghĩ, mặt trái của cơ chế thị trường gây ra những hệ lụy tiêu cực trong đời sống văn hóa. Điều đó là có thật. Với một câu ngắn gọn, Tổng Bí thư yêu cầu: “Làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội”. Đó là một yêu cầu mới trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và văn hóa. Khi xã hội bắt đầu phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, Tổng Bí thư nêu một luận điểm mới: “Làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước” (sđd - tr.46). Lâu nay, chúng ta chưa chú ý phát huy chức năng vốn có của văn hóa: Điều tiết sự phát triển, trong đó, con người thấm sâu các giá trị văn hóa là chủ thể.

Gần đây, có ý kiến về “chấn hưng” văn hóa. Có lẽ, điều đó đúng, song chưa đủ, chưa toàn diện. Đọc kỹ các bài trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ta thấy ông thường sử dụng đồng thời các cụm từ sau: “đổi mới và chấn hưng” (sđd - tr.43), “chấn hưng và phát triển” (tr.53) và “tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển” (tr.44). Như vậy, nếu chỉ dùng một từ “chấn hưng” thôi dễ ngộ nhận rằng, văn hóa hiện nay của chúng ta đang đi xuống, đang có dấu hiệu “tàn lụi” chăng? Tổng Bí thư, có lẽ, không đánh giá như vậy, vì vậy, ông yêu cầu đồng thời cả xây dựng, giữ gìn, chấn hưng, phát triểnđổi mới. Đó là tầm nhìn biện chứng, xác định cả thành tựu, kết quả phát triển của văn hóa, cả những hạn chế, yếu kém, song tầm nhìn xa hơn là qua đó khẳng định xu hướng vận động tích cực của văn hóa. Vì thế, trong nhiều lần phát biểu về xử lý các quan hệ lớn, Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc nhở “không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”.

Khi tư duy lý luận về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao giờ cũng đồng thời nhấn mạnh hai cấp độ: tính chiến lược trong sự phát triển văn hóa và tính cấp bách cần phân tích và giải quyết kịp thời, trong đó có vấn đề đội ngũ cán bộ hoạt động và sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Một mặt, với tất cả sự trân trọng, ông luôn đánh giá cao sự cống hiến của đội ngũ này, sự gắn bó máu thịt với dân tộc, Đảng và sự nghiệp cách mạng. Mặt khác, ông lo lắng vì những bất cập, yếu kém kéo dài, chưa khắc phục được trong việc củng cố, xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ “cực kỳ quan trọng” này (sđd - tr.48). Tổng Bí thư mong ước có những người “có tài năng, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh” (sđd - tr.249) và rộng hơn, đối với toàn bộ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị “cán bộ phải có văn hóa làm gốc” (sđd - tr.105).

Như vậy, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bàn về văn hóa là nghĩ về con người với ước mong cháy bỏng của ông, con người Việt Nam mang trong mình những giá trị văn hóa cao quý, sống trong “sự phong phú của tâm hồn, tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” (sđd - tr.74).