Những câu chuyện về Người
Di tích lịch sử cấp quốc gia số 5 Châu Văn Liêm có tên đầy đủ là “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước” nhưng thường được nhiều người gọi thân thương là “Nhà Bác Hồ”. Sử liệu ghi lại, căn nhà này xưa kia là trụ sở của Liên Thành phân cuộc, một chi nhánh của Liên Thành Thương quán. Liên Thành là tổ chức do các sĩ phu yêu nước Bình Thuận thành lập vào tháng 3-1906, gồm ba chi nhánh: Liên Thành Thương quán, Dục Thanh Học hiệu và Liên Thành Thương xã.
Tháng 9-1910, lúc bấy giờ đang theo dạy tại Dục Thanh Học hiệu (tỉnh Bình Thuận), nhờ sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khăn gói vào Sài Gòn - Chợ Lớn, chuẩn bị cho hành trình cứu quốc mà bản thân ấp ủ từ lâu. Lúc bấy giờ Người mang tên Nguyễn Văn Ba. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thu Thủy, thuyết minh viên tại di tích này, trong khoảng thời gian sống ở căn nhà số 1-2-3 Quai Testard Chợ Lớn, nay là số 1-3-5 Châu Văn Liêm (quận 5, TP Hồ Chí Minh), bên cạnh việc tích cực tham gia các phong trào yêu nước như Đông Du, Duy Tân, đi làm, người còn bán báo tại cảng Sài Gòn để tìm hiểu về hành trình tàu ra vào và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động trong nước lúc bấy giờ. Ngày 5-6-1911, với vai trò phụ bếp, Người lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville từ sông Sài Gòn lên đường sang Pháp, bắt đầu hành trình tìm “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Rộng chưa đến 40 m2 nhưng vào các dịp lễ quan trọng, rất nhiều người tìm đến di tích này để dâng hương, báo công lên Bác. Tại khu vực trung tâm di tích là bàn thờ lớn với bức tượng Bác đặt chính giữa trang nghiêm. Trên các bức tường bao chung quanh là rất nhiều tư liệu về Người trong quá trình hoạt động cách mạng cùng thông tin về gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông tin về Liên Thành Thương quán. Hình ảnh lãnh tụ các phong trào yêu nước hay hình ảnh, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn đó cũng được trưng bày trang trọng trong không gian này. Bước lên chiếc cầu thang gỗ nhỏ, khách tham quan sẽ được nghe kể nhiều câu chuyện xúc động khác về Người và ngắm nhìn những vật dụng quen thuộc của vị Cha già dân tộc. Tại đây, có đặt sẵn một chiếc máy tích hợp đầy đủ tư liệu, hình ảnh về di tích để khách có thể tự tìm hiểu.
Người trẻ không quên lịch sử
Được xem là điểm khởi đầu cho hành trình cách mạng lịch sử tại miền nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt bao năm nay, căn nhà nhỏ số 5 Châu Văn Liêm luôn mở cửa phục vụ người dân, nhất là thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Năm 1988, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Gần 110 năm trôi qua với nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ nhưng điều đáng quý là nơi đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc của ngôi nhà phố theo phong cách cổ. Cách bài trí trong căn nhà nhỏ hai tầng phủ ngói âm dương cũng được giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm các thông tin cần thiết hay khu vực trưng bày mới. Cái hay là cán bộ trẻ được phân về công tác tại di tích ngày một nhiều giúp các hoạt động cũng sinh động, sáng tạo hơn rất nhiều. Về công tác tại di tích được hai năm nay, chị Thủy vẫn nhớ như in lần đầu mình giới thiệu đến khách tham quan bài thuyết trình mình tự soạn: “Lúc đó xúc động lắm! Rồi tiếp nhiều đoàn, nghe được nhiều câu chuyện hay và tự mày mò thêm nhiều tài liệu lịch sử, ngày qua ngày tôi bổ sung cho bài thuyết trình của mình chính xác hơn, hấp dẫn hơn. Tôi thấy bản thân may mắn vì được làm việc trong không gian này, nơi mà bản thân có nhiều cơ hội để tìm hiểu kỹ về Bác, vị lãnh tụ mà mỗi người dân Việt Nam luôn kính mến, biết ơn”.
Từ khi còn là thiếu nhi, rồi thành Đoàn viên thanh niên, anh Huỳnh Hoàng Anh Tuấn (Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Trung tâm Văn hóa quận 5) đã nhiều lần được đến thăm “Nhà Bác Hồ” và nghe các cô chú, anh chị đi trước kể chuyện về Người. “Lúc bấy giờ tôi hãnh diện và tự hào lắm. Đến khi về đây công tác với vai trò quản lý trực tiếp di tích, sự tự hào còn tăng gấp bội. Tư liệu, hình ảnh và hiện vật trong di tích ngày một nhiều, cơ sở lại mới được trùng tu tạo thêm không gian cho nhiều người đến tham quan. Bên cạnh việc ghé thăm nơi Bác từng ở, nhiều đơn vị còn chủ động thực hiện các hoạt động chủ điểm, sinh hoạt chính trị gắn liền tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cho giới trẻ rất thiết thực và ấn tượng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết tổ chức thêm nhiều hoạt động lịch sử, văn hóa tại di tích quan trọng này”, anh Tuấn cho hay.
Bên cạnh việc mở cửa phục vụ người dân, các đoàn khách đến tham quan di tích mỗi ngày, chính quyền quận 5 và Trung tâm Văn hóa quận còn tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu về lịch sử, văn hóa trên địa bàn đến cấp cơ sở. Trong đó, “Hành trình công dân đến với di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận 5” là hoạt động tạo được sức hút với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp từ thanh thiếu nhi đến cán bộ, viên chức… Từ hành trình ý nghĩa này, nhiều năm nay đông đảo học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức tại 15 phường trên địa bàn quận luôn tìm đến tìm hiểu, vun bồi tình yêu với Bác, với lịch sử, văn hóa nước nhà.