Bốn thư và bài gồm: “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (17-9-1945); bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng báo Cứu Quốc (19-9-1945); “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (17-10-1945) và bài “Sao cho được lòng dân?” đăng báo Cứu Quốc (12-10-1945)(1).
Trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Bác không lấy danh nghĩa là Chủ tịch Chính phủ mà “chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm”. Và Bác bảo đảm: “Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”. Đây là một bức thư dành riêng cho những người đang đảm trách công tác quản lý nhà nước ở quê hương, rất thân tình. Trong thư, Bác nêu rõ chính sách của Chính phủ: “Nói tóm tắt, thì chính sách của Chính phủ là: Củng cố sự đoàn kết toàn dân. Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện”.
Trong thư, Bác cũng cảnh báo những người đồng hương cần sửa ngay các khuyết điểm, trong đó có bệnh lạm dụng quyền lực, đồng thời nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa. Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ... Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”.
Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Bác đã nhắc nhở chọn lựa những người tốt vào ủy ban nhân dân các làng, phủ. Người nhắc rằng phải chọn người công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng… được dân làng tín nhiệm; dứt khoát không thể để ai “nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó”. Bác cũng cảnh báo việc các nhân viên ủy ban lợi dụng danh nghĩa ủy ban để “gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”.
Trong bức “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê phán các tệ “Trái phép”, “Cậy thế”, “Hủ hóa”, “Tư túng”, “Chia rẽ”, “Kiêu ngạo” của cán bộ, đảng viên các cấp từ trung ương đến địa phương. Thật đáng lo ngại khi mà chính quyền nhân dân non trẻ vừa mới được thành lập, nhưng các tệ nạn đó trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng bắt đầu nảy sinh, và tác oai tác quái. Trong thư, Bác còn viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau đó, Bác căn dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Người phê phán tệ nạn sa ngã, sa đọa mà thời đó gọi là hủ hóa: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”. Người đặc biệt cảnh cáo tệ nạn tư túng. Bác viết: “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.
Trong bài “Sao cho được lòng dân?”, Bác chỉ dẫn rất đơn giản: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh… Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Trong suốt 75 năm qua, nhờ quán triệt phương châm “việc gì lợi cho dân phải hết sức làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Bộ máy đó đã huy động và khơi dậy được sức mạnh của hàng chục triệu đồng bào đồng tâm nhất trí sát cánh cùng Chính phủ để chiến thắng liên tiếp ba đế quốc to là Pháp, Mỹ, quân bành trướng và đang chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Nền tảng của sự đoàn kết ấy cực kỳ giản dị, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư ngày 17-10-1945: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”.
Nền tảng vững chắc, phương châm tuyệt vời đã làm nên sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Chính phủ, chính quyền. Qua đó, tạo nên những kỳ tích trong quá khứ và hiện tại. Hiện nay, việc cả nước chung tay, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” đã khiến thế giới phải ngỡ ngàng trước thành tựu của Việt Nam.
Tuy nhiên, như một căn bệnh kinh niên, nhờn thuốc, đâu đó bên cạnh phần lớn các công chức, viên chức đang hằng ngày phấn đấu làm tròn bổn phận, giữ gìn đạo đức, tư cách thì “vẫn còn bộ phận không nhỏ” người có chức, có quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sự sơ hở của tổ chức để tham ô, lãng phí, gây thiệt hại lớn về kinh tế của quốc gia, làm tổn hại thanh danh của Đảng và Nhà nước, xúc phạm lòng tin của nhân dân.
75 năm - một chặng đường. Có được tiền đồ vững vàng như hôm nay, bài học lớn nhất được rút ra, là để có được một nền hành chính thật sự của dân, do dân và vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu và bảo vệ, đòi hỏi mọi cán bộ của hệ thống chính trị, dù cơ quan Đảng, đoàn thể hay cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, từ việc xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật, luôn luôn phải quán triệt phương châm “việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, như Bác Hồ căn dặn.
TS CHU ĐỨC TÍNH
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 4.